Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHUYỆN BUỒN TRONG NGÀNH Y VIỆT NAM

7 cán bộ bị đình chỉ công tác trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm.


(Tinmoi.vn) Liên quan đến vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ của bệnh viện.
Chiều ngày 7-8, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), nơi đã "nhân bản" 1 kết quả xét nghiệm rồi trả cho 2-5 bệnh nhân. 
Qua kết quả điều tra của cơ quan công an, chiều ngày 8/8, Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc bệnh viện.
Tiếp đó, Sở Y tế Hà Nội đã công bố Quyết định số 1761/QĐ- SYT về việc tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc BVĐK Hoài Đức, trong thời gian 15 ngày để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật tại BVĐK Hoài Đức.
Sau đó, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã công bố quyết định số 222/QĐ-BV tạm đình chỉ công tác để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật tại BVĐK Hoài Đức đối với bà Vương Thị Kim Thành, Bác sỹ, Trưởng khoa Xét  nghiệm; Bà Vương Thị Lan - Điều dưỡng Cao đẳng , viên chức khoa Xét nghiệm ; ông Nguyễn Đồng Sơn - Kỹ thuật viên, lao động hợp đồng khoa Xét nghiệm ; bà Nguyễn Thị Thu Trang- Kỹ thuật viên, lao đồng hợp đồng khoa Xét nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Kỹ thuật viên, lao động hợp đồng khoa Xét nghiệm. Như vậy, tới thời điểm này đã có 7 cán bộ bị tạm đình chỉ công tác.
Lý do của việc tạm đình chỉ công tác này là để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật được cho là liên quan đến vụ việc một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khoa Xét nghiệm của Bệnh viện này “nhân bản” để dùng luôn cho 2-5 bệnh nhân, thậm chí lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh Bệnh lao phổi, ápxe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa…
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định việc nhiều xét nghiệm có kết quả giống nhau ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức là lần đầu tiên xảy ra trong ngành y tế Hà Nội, việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về y đức và quy chế chuyên môn.
Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân tại bệnh viện Hoài Đức được duy trì ổn định, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết định số 1762/QĐ-SYT về điều động biệt phái cán bộ tăng cường cho BVĐK Hoài Đức kể từ ngày 8/8 2013 đến ngày 7/2/2014. Các cán bộ được tăng cường gồm: Bà Đỗ Thị Hằng, Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Phó Trưởng khoa Sinh hóa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, kiêm Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành khoa Xét nghiệm BVĐK Hoài Đức; ông Nguyễn Hữu Trí, cử nhân xét nghiệm khoa Sinh hóa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; ông Bùi Văn Đăng, điều dưỡng cao đẳng khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Đống Đa; bà Nguyễn Thị Ban Mai, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm bệnh viện Đống Đa; bà Trương Bích Thủy, Thạc sỹ, bác sỹ, Phó Trưởng khoa huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ông Phùng Trung Kiên, kỹ thuật viên xét nghiệm khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bà Hoàng Thị Mai Hương, kỹ thuật viên xét nghiệm khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Những cán bộ này được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp do đơn vị cử cán bộ đi biệt phái chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước. 
Trước đó, vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm đã gây xôn xao dư luận. Tính chất của vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu không chỉ dừng lại ở lừa đảo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. 
Ông Cường cho biết, Sở Y tế nhận được đơn tố cáo vụ việc từ ngày 20/5, ngay sau đó ngày 21/5, thanh tra Sở Y tế đã đến kiểm tra xác minh, làm việc với tập thể ban giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng có liên quan của Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Qua quá trình làm việc, thanh tra Sở Y tế đã xác định đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt  (cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện) là có cơ sở. Cụ thể người làm công tác xét nghiệm tại khoa này phải có trình độ đại học, trong khi đó bộ phận xét nghiệm ngoại trú của Bệnh viện đa khoa Hoài Đức chỉ có 2 nhân viên là cao đẳng điều dưỡng và dược sĩ trung học, mới đi học định hướng về chuyên ngành huyết học. Ngoài ra, về nguyên tắc, người ký phiếu kết quả xét nghiệm phải là trưởng khoa, không phải nhân viên. Trong khi đó hầu hết các phiếu kết quả xét nghiệm tại bệnh viện, người ký đều là nhân viên.
Theo cuốn sổ ghi chép, theo dõi của nhóm tố cáo, tính từ tháng 7/2012 tới nay đã có trên 1.000 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống nhau. Trong khi đó, việc đưa ra kết quả xét nghiệm máu, theo các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh chính xác, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng hướng. 
Xuất phát từ mục đích vụ lợi, bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất mà vẫn có kết quả trả cho người bệnh, lại trả trong thời gian ngắn, tạo ra sự hài lòng giả tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về y đức và quy chế chuyên môn.
Lê Vy

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bệnh WILSON

 Bệnh Wilson là bệnh di truyền do sự tích lũy đồng trong cơ thể, chủ yếu là ở gan và não. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sự tích lũy đồng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh Wilson là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường đặc trưng bởi sự tích lũy đồng trong cơ thể và các bất thường liên qua đến gan và thần kinh. Đây là một bệnh di truyền hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/30.000 người. Bệnh Wilson khởi phát một cách nhanh chóng sẽ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng đến chức năng của gan, encephalopathy, coagulopathy, và thậm chí có thể tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.

 Mắc chứng bệnh Wilson đã 2 năm nay khiến cơ thể cô bé Hương trở nên co quắp
 Tay của em dị dạng không bình thường
 Phần da ngoài bong tróc, chảy máu khiến em đau đớn
 Căn bệnh khiến đôi chân của em cũng trở nên không bình thường
Anh Quân bị tật nguyền khiến tay phải liệt hoàn toàn, tai không nghe thấy và đôi chân tập tễnh nhưng vẫn đảm nhiệm công việc chăm con gái

Mắc chứng bệnh Wilson hiếm gặp (tỷ lệ mắc là 1/30.000 người) khiến chân tay cô bé Nguyễn Thị Thu Hương trở nên co quắp, không nói được. Gạt nước mắt nhìn con đau đớn, người cha tật nguyền chỉ còn cử động được một tay, loay hoay đút từng miếng thức ăn cho con.

Trong căn nhà tình nghĩa thấp nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Anh Quân và chị Nguyễn Thị Luyện (thôn Xuân Đình, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) mỗi khi có ai đi ngang qua đều không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh cô bé Hương “vật lộn” trong đau đớn. Cách đây 2 năm Hương vẫn là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, chăm ngoan giúp bố mẹ mọi công việc từ nhà cửa đến đồng áng, nhưng “đánh đùng” một cái, em phát hiện mắc chứng bệnh Wilson hiếm gặp.
Hai mắt đỏ hoe nhìn cháu, ông nội Nguyễn Quang Nhượng nhớ lại những ngày đầu tiên Hương mắc bệnh: Ban đầu cả nhà không ai biết cháu bị bệnh cả, chỉ thấy cháu hay ngồi thừ ra và không làm gì cả. Nhiều khi đi làm về mệt, tôi còn mắng cháu không được ngồi chơi như thế, phải giúp bố mẹ quét nhà, nấu cơm nhưng thấy con bé vẫn không nhúc nhích gì cả. Sau thời gian đó, gia đình mới cho cháu lên bệnh viện huyện Khoái Châu thì các bác sĩ giới thiệu lên tỉnh rồi chuyển tiếp lên Bạch Mai. Ở đây cháu được chuẩn đoán mắc bệnh Wilson (bệnh di truyền do sự tích lũy đồng trong cơ thể, chủ yếu là ở gan và não).
Con mắc bệnh hiếm gặp, cần tiền để chữa trị, nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le khi trước đó anh Quân bị tai nạn ô tô dẫn đến bị chấn thương sọ não phải nằm cấp cứu ở bệnh viện. Tai nạn kinh hoàng khiến cả nhà ai cũng nghĩ anh sẽ không qua khỏi, nhưng ông trời thương sau vài năm, anh tỉnh lại với di chứng liệt hoàn toàn cánh tay phải, tai không nghe thấy và đôi chân bước đi tập tễnh.
Liên tiếp, chồng được cứu sống thì đến chị Luyện mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật và rối loạn vận mạch não nên chỉ biết nằm yên, bất động không thể làm được gì. Thương hoàn cảnh gia đình quá éo le, anh em họ hàng và bà con trong làng gom góp cho chị tiền đi chữa trị bằng thuốc nam và châm cứu hơn 1 năm để có thể đi lại được. Sức khỏe còn yếu, cứ trái gió, trở trời là chị lại ngất ra không biết gì nhưng hiện tại chị là người lao động chính với thu nhập từ những lần đi rửa bát thuê cho những đám cưới trong xã.
Cả nhà đồng thời đều đổ bệnh, khiến cô bé Hương cũng chỉ được chữa trị một thời gian ngắn rồi cho về nhà tự chăm sóc. Căn bệnh lạ khiến chân tay em chỉ trong tích tắc đã co quắp, biến dạng và hoàn toàn không thể cử động được. Hương cũng không thể nói được nên giao tiếp với bố mẹ chỉ bằng những tiếng ậm, ự và những cái gật, lắc không ai hiểu gì.
Hàng ngày chị Luyện phải đi rửa bát thuê, nên mọi sinh hoạt của con đều do anh Quân đảm nhiệm. Chỉ còn cử động được một tay và bước chân lúc nào cũng xiêu vẹo, như sắp đổ nhưng anh vẫn cố gắng gượng chu toàn mọi việc từ chăm con, thái rau cho lợn và thu dọn nhà cửa. Nhiều khi vết thương đau quá, không chịu được, anh nhăn mặt: “Muốn nghỉ lắm cô ạ nhưng mà mẹ nó yếu thế còn phải đi làm, con thì bệnh nên tôi không dám đâu. Cố làm được cái gì thì làm thôi, nghĩ cũng tủi lắm vì bản thân là đàn ông trụ cột trong gia đình mà không giúp gì được cho vợ, cho con”. 
Nói xong, anh Quân lại gạt nước mắt rồi lật đật đi kiếm cái khăn mặt lau cho con. Cô bé Hương thấy mắt bố đỏ hoe cũng ra hiệu không bằng lòng, cái mặt bí xị quay vào trong trông đến tội. Không hiểu gì nhiều về bệnh tình của con, nhưng người bố tật nguyền ấy luôn cầu mong “Con có tiền chữa bệnh, dù có phải đánh đổi mạng sống của anh”.



Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Vụ án ly kỳ do con không có DNA của mẹ

Trong các thử nghiệm DNA xác định con ruột của bố mẹ, các nhà khoa học đã phát hiện trường hợp đứa trẻ không có liên hệ sinh học với người mẹ, mà chúng mang một DNAkhác. ADN không nói dối, nhưng có thể nói sai' 

chimeralydia-1372645449_500x0.jpg
Bà Lydia Fairchild.
Người mẹ trẻ ở bang Washington, Mỹ đã phải đấu tranh với tòa án để giữ đứa bé mà cô mang nặng đẻ đau, vì theo xét nghiệm nó không phải là con ruột cô.
Lydia Fairchild, 26 tuổi, sinh nở ba lần. Sau khi sinh đứa thứ ba, cô bị thất nghiệp. Do không đủ điều kiện kinh tế nuôi ba con một mình, Lydia phải viết đơn xin trợ cấp hàng tháng của chính phủ tại địa phương cư trú, tiểu bang Washington. Mọi người trong gia đình cô đều được triệu tập tới Sở Dịch vụ xã hội để chứng minh một số thông tin có liên quan. 
Ban đầu, Fairchild nghĩ đó đơn giản là một cuộc triệu tập như thường lệ với một nhân viên xã hội. Nhưng cô không ngờ bị thẩm vấn nghiêm khắc giống như một nghi can tội phạm. Cô chết điếng khi toà tuyên bố bạn trai cô là bố bọn trẻ. Còn cô, người đã sinh ra chúng lại không phải là mẹ, vì DNA của cô không trùng hợp với chúng.
Lydia Fairchild sẽ còn nhớ mãi cái ngày hôm ấy. Nhân viên tòa án gọi cô đến hỏi một cách đầy ngờ vực: “Cô là ai? Cô đang âm mưu gì với bọn trẻ?” Ngạc nhiên, Lydia trả lời,: "chúng là con tôi mà, sao lại có chuyện âm mưu gì ở đây?”. Người đó đáp lại lạnh lùng: “Chúng không phải là con cô. Chúng tôi đã xét nghiệm DNA. DNA của cô và bọn trẻ không giống nhau”. 
Từ tòa án trở về, Lydia tưởng như sắp phát điên. Rõ ràng cô là mẹ của ba đứa trẻ. Cô đã mang thai và sinh nở bình thường. Tất cả những người thân trong gia đình, hàng xóm và bác sĩ ở nhà hộ sinh đều biết. Thậm chí, mẫu DNA bố của bọn trẻ cũng phù hợp với DNA của cả ba đứa. Nhưng tất cả những cái đó đều vô nghĩa trước tòa. Lý thuyết y học đã khẳng định DNA của mẹ và con phải tương đồng. 100% trường hợp đều như vậy. Ngược lại chỉ có thể là giả mạo.
Nghi ngờ xét nghiệm của tòa có sai sót, Lydia xin thực hiện lại xét nghiệm ở một số phòng thí nghiệm độc lập do chính cô lựa chọn. Kết quả vẫn y nguyên, không có chút sai sót nào. Cô, người sinh ra chúng lại không phải là mẹ. Mặc dù, cả ba đứa trẻ đều khăng khăng khẳng định mẹ chúng chính là Lydia Fairchild - người đang đứng trước mặt chúng. 
Tuy nhiên, đó chưa phải là bằng chứng đủ sức thuyết phục. Như vậy, từ chỗ chỉ muốn xin một khoản trợ cấp xã hội hằng tháng để nuôi con, Lydia phải đối mặt với nguy cơ phạm tội: Cô có thể bị buộc tội giả mạo và lạm dụng bọn trẻ, thậm chí là bắt cóc trẻ em. Trong trường hợp đó, lũ trẻ sẽ bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội và Lydia sẽ không bao giờ gặp lại các con mình. “Cô biết đấy. Chúng tôi có thể đón bọn trẻ đi bất cứ lúc nào”, một nhân viên xã hội nói với Lydia trước khi cô rời khỏi phòng. 
Có sự nhầm lẫn?
Sau những giờ “thẩm vấn” xót xa, đầy hoài nghi, Lydia bắt đầu hoảng loạn, cô bước đi loạng choạng. Lydia vội vã trở về nhà tìm những bức ảnh siêu âm trong quá trình cô mang thai của từng đứa con một. Vừa nỗ lực lục tìm, Lydia kể với cha mẹ mình về kết quả xét nghiệm AND “quái dị” ấy. Cha mẹ Lydia không tin điều đó. 
“Lúc đầu, tôi nghĩ rằng, con bé đang nói đùa. Chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Chính tôi là người đưa Lydia đến bệnh viện sinh. Rồi cả ba lần sinh, chính mắt tôi nhìn thấy bọn trẻ do Lydia mang nặng đẻ đau. Tôi còn nhẹ nhàng ẵm chúng lên, khoe với mọi người trong gia đình và một số bạn bè”, bà Carol Fairchild, mẹ của Lydia kể lại trong sự ngỡ ngàng và đau khổ. 
Tiến sĩ Leonard Dreisbach, bác sỹ khoa sản, người trực tiếp ba lần đỡ đẻ cho Lydia khẳng định, Lydia là mẹ của cả ba đứa trẻ. Ông còn cho rằng, trường hợp kỳ lạ của Lydia chắc chắn có sự nhầm lẫn nào đó trong kết quả xét nghiệm AND. Ông cũng rất sẵn lòng làm chứng trong phiên tòa về “sự thật” này.
Xét về tình, các thành viên ban hội thẩm cũng tin rằng, Lydia Fairchild là mẹ của cả ba đứa trẻ. Nhưng về lý, Lydia Fairchild không có bằng chứng chứng minh, cô và các con có cùng dòng máu. Lydia có thuê luật sư biện hộ cho cô nhưng không ai nhận. Vì họ biết chắc, họ không thể thắng, kết quả AND đã cho biết điều đó. Sau cùng, Luật sư Alan Tindell “dũng cảm” nhận lời, bởi theo linh cảm ông tin, Lydia không phải là kẻ bắt cóc chúng, mà cô chính là mẹ đẻ.
Người có DNA từ nhiều nguồn khác nhau (Genetic Chimerism)
Trong thời điểm u ám ấy, một tia hy vọng chợt lóe lên. Luật sư Alan Tindell tìm thấy một bài viết trên tạp chí  New England Journal of Medicine, có nói đến một trường hợp ở Boston tương tự như của Lydia. Ông đệ đơn lên tòa xin hoãn xét xử khi các xét nghiệm này có thể thực hiện. 
Đó là trường hợp của bà Karen Keegan, một bà mẹ 52 tuổi có hai con trai ở Boston. Xét nghiệm trước ca ghép thận của Karen cũng cho thấy DNA của bà và bọn trẻ không giống nhau. Bác sĩ ở đó, mặc dù biết chắc chắn rằng không hề có sự giả mạo nào, nhưng cũng không thể giải thích nổi điều gì đã diễn ra. Họ tiến hành những mẫu xét nghiệm ở máu, tóc, mô miệng nhưng tất cả đều không có AND của con trai bà.

Các bác sĩ đã tìm hiểu kỹ hơn tuyến giáp của Karen. Lý do khiến các bác sỹ chọn tuyến giáp để xét nghiệm AND vì trong 100 ml máu ở người bình thường, có 2 - 2,5 mmol calcium (100 mg/l) và tồn tại dưới 3 dạng là 40% gắn với protein, 5 - 10% ở dưới dạng muối kết hợp với phosphat, bicarbonat, citrat; và 50% còn lại tồn tại dưới dạng ion hóa, để đảm bảo cho hoạt động điện sinh lý của các tế bào.
Mỗi ngày, cơ thể hấp thu vào 25 mmol canxi và thải trừ 20 mmol ra phân + 5 mmol ra nước tiểu. Hormon tuyến giáp có vai trò huy động canxi từ xương ra máu, và vitamin D giúp hấp thu canxi vào cơ thể, đưa đến xương. Karen Keegan gặp một vấn đề khá hiếm trong y học gọi là chimerism.

Hiện tượng này xảy ra ở người hay động vật khi hai trứng được thụ thai, hoặc phôi thai kết hợp cùng nhau trong thời kỳ đầu của thai kỳ. Mỗi hợp tử mang một bản sao DNA của bố mẹ, vì vậy hợp tử mới có một bộ gene khác biệt. Về cơ bản, đứa trẻ sinh ra là song sinh của chính nó. Chimerism ở người rất hiếm. Trong các thử nghiệm DNA nhằm xác định con ruột của bố mẹ đã phát hiện trường hợp Chimerism khi đứa trẻ không có liên hệ sinh học với người mẹ - nó mang một DNA khác. Lydia Fairchild là trường hợp điển hình sinh ra một chimera. Người mẹ trẻ ở bang Washington đã phải đấu tranh với tòa án để giữ đứa bé mà cô mang nặng đẻ đau.

Trên thế giới có khoảng 30 trường hợp như vậy được ghi nhận. Thực chất đó là trường hợp hai cá thể song sinh tồn tại trong một cơ thể. Nguyên nhân là do có hai trứng cùng được thụ tinh, nhưng khi trong tử cung, đáng lẽ phải phát triển thành hai trẻ song sinh thì chúng lại “hòa lẫn” vào nhau, và trở thành một bào thai hoàn hảo duy nhất, nhưng có hai mã di truyền khác nhau - hai chuỗi DNA khác nhau.
Nói một cách khác, Karen là hai người trong một cơ thể và điều đó không thể quan sát bằng mắt thường,  mà chỉ có thể phát hiện nếu xét nghiệm vật chất di truyền. Đó là lý do DNA trên khắp cơ thể bà lại khác với DNA của các con, nhưng DNA ở tuyến giáp lại giống.

Câu chuyện của Karen khiến Lydia có cơ sở thuyết phục quan tòa cho cô thêm thời gian. Cuối cùng, sau hàng loạt xét nghiệm, bác sĩ kết luận rằng Lydia cũng là một trường hợp chimerism. Hồ sơ vụ án được khép lại với một kết thúc có hậu: Lydia được công nhận là mẹ đẻ của các con cô và được nhận trợ cấp hàng tháng. Mỗi lần nhớ lại chuyện đã qua, Lydia vẫn thầm cảm ơn Karen: “Nếu không có bà ấy, tôi đã mất con”.
Câu chuyện của Lydia được lưu kỹ lưỡng trong hồ sơ xử án của tòa án tiểu bang Washington. Họ xem đây là “một vụ án y khoa” hiếm gặp. Còn phía y học và các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà chuyên môn nghiên cứu về DNA cả về con người và động vật, họ xem đó là một bước tiến mới.

Theo An ninh thủ đô

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

BÀI ĐĂNG 2013


Vô cùng hiếm, cô gái có tới 4 quả thận
(VTC News)
 Một cô gái người Anh tới bệnh viện để phẫu thuật thận đã khiến các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện cô có tới 4 quả thận.
Jessica Curphey, 20 tuổi được đưa tới bệnh viện St Helier Hospital ngay sau khi cô cảm thấy những cơn đau ở phía bên lườn phải. Các kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy cô bị nhiễm trùng nước tiểu nên các bác sĩ đã cho cô sử dụng các loại kháng sinh để điều trị. 
Dựa trên các kết quả siêu âm ban đầu, các bác sĩ đã chẩn đoán bên phía thận phải của Jessica có một khối u nang to khoảng 17cm. 
Kết quả siêu âm 11 ngày sau cho thấy nằm ngay bên cạnh 2 quả thận bên phải của cô gái này là một khối u đã bị vỡ nên các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật ngay để bảo vệ tính mạng cho cô. 
Tuy nhiên trong khi phẫu thuật, các bác sĩ đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra Jessica có tới 4 quả thận – đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp. 
Các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra và xác định được một trong số 4 quả thận của Jessica đã bị tổn thương rất nặng nên họ đã buộc phải cắt bỏ một quả thận của cô. 
Robyn Webber, Bác sĩ phẫu thuật tiết niệu cho biết “Trường hợp người bệnh có tới 3 quả thận là điều vô cùng kỳ lạ và hiếm gặp. Trong sách vở từ trước tới này chỉ có khoảng chưa đến 100 trường hợp tương tự.” 
Sau khi được điều trị khỏi nhiễm trùng nước tiểu do các vi khuẩn từ một quả thận bị phá hủy gây ra, hiện tại Jessica đã hoàn toàn bình phục và có thể sống một cuộc sống bình thường với 3 quả thận. 

Tránh sinh con dị tật ống thần kinh

Triple test giúp đánh giá nguy cơ bị hội chứng Down, Edward và dị tật ống thần kinh ở quý 2 thai kỳ. Hiểu rõ về xét nghiệm này sẽ giúp các bà mẹ sinh con khỏe mạnh. Nếu thai có vấn đề về dị tật sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong một số trường hợp trẻ bị dị tật ống thần kinh thoát vị màng não - tủy, túi thoát vị màng não - tủy được da phủ lên nhưng thông thường vùng thoát vị bị lộ ra làm cho trẻ dễ bị nhiễm trùng.
Dị tật ống thần kinh thoát vị màng não - tủy: Đây là dạng nặng nhất. Khi bị thoát vị màng não - tủy, ống tủy sống của trẻ bị hở dọc theo các đốt sống, cả màng bảo vệ và tủy sống đều bị thoát ra ngoài  


Hiểu rõ về Triple test
Triple test được thực hiện bằng cách đo lượng AFP (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 còn gọi là estriol tự do trong máu thai phụ. Sau đó được tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai,… nhờ một phần mềm chuyên dụng để đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edward hoặc dị tật ống thần kinh của thai ở quý 2 của thai kỳ.
Các chất hóa sinh này được sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai. Nếu thai có sự lệch bôi lẻ nhiễm sắc thể (aneuploidies), nồng độ của các thông số này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với kết quả siêu âm,… có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai.
AFP được sản xuất từ túi noãn hoàng, các tế bào gan chưa biệt hóa và đường tiêu hóa của thai.
β-hCG là một glycoprotein được sản xuất bởi bào thai giai đoạn sớm và sau đó bởi lớp hợp bào lá nuôi (syncytiotrophoblast) của nhau thai. uE3 là hormone estriol dạng tự do, được sản xuất từ gan và nhau thai của thai.
Kết quả sàng lọc Triple test ở quý 2 của thai kỳ cho biết liệu thai có nguy cơ bị hội chứng Down (bất thường nhiễm sắc thể 21), hội chứng Edward (bất thượng nhiễm sắc thể 18) hoặc dị tật ống thần kinh hay không?
Khoảng 5% thai phụ có các mức độ bất thường của β-hCG, AFP và uE3 trong máu của họ. Các nguyên nhân các bất thường này là: tính toán sai tuổi thai, thai đôi (sẽ sản xuất ra nhiều các dấu ấn này hơn thai đơn) hoặc các dị tật bẩm sinh.
Chỉ định
Tất cả các thai phụ có thai ở tuần thứ 15 đến tuần thứ 20, kết quả chính xác nhất ở tuần thứ 16 đến tuần thứ 18, nên được thử Triple test. Đặc biệt, những thai phụ có các đặc điểm sau đây rất cần được thử Triple test:
Tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh
Thai phụ trên 35 tuổi
Đang sử dụng thuốc hoặc các hóa chất có thể gây hại cho thai
Bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin
Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
Có tiếp xúc với phóng xạ liều cao
Những thai phụ đã kiểm tra Double test ở quý 1 của thai kỳ với thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh ở mức ranh giới cần phải thử tiếp Triple test để đánh giá mức độ nguy cơ rõ ràng hơn.
Ý nghĩa lâm sàng
Sự khác nhau của các giá trị AFP (ng/mL), b-hCG (mU/mL) và uE3 (ng/mL) được một phần mềm máy vi tính chuyên dụng tính toán hiệu chỉnh theo tuổi mẹ (năm), tuổi thai (tuần + ngày), cân nặng của mẹ (kg) và chủng tộc để thành một đơn vị đa trung bình MoM (multiple of median) và mức độ nguy cơ của các hội chứng trên được tính toán từ các giá trị đa trung bình ấy.
Giá trị bình thường của các thông số AFP, β-hCG và uE3 máu thai phụ sau khi hiệu chỉnh đều bằng 1 MoM. Giá trị ngưỡng thấp và cao của các thông số để đánh giá nguy cơ  như sau: AFP 2,5 MoM; b-hCG 2,5 MoM; uE3
Mức độ cao của β-hCG > 2,5 Mom và mức độ thấp của AFP 1: 250.
Các mức độ thấp của cả 3 dấu ấn β-hCG 1: 100.
Nếu chỉ có sự tăng riêng mức độ AFP > 2,5 MoM, trẻ có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh.
Triple test có khả năng phát hiện 88% tật không não và 79% tật hở cột sống với dương tính giả 3%.
Một số điểm cần lưu ý
Nên nhớ rằng Triple test chỉ là một xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai. Các quá trình chẩn đoán khác như siêu âm, chọc ối có thể được xem xét khi có bất thường về kết quả sàng lọc Triple test.
Các hình ảnh siêu âm có thể cho biết tuổi thai hoặc thai đơn hay thai đôi. Đôi khi siêu âm có thể phát hiện các dị tật của thai. Nếu kết quả siêu âm chỉ ra thai đôi hoặc sai lạc về tuổi thai, không cần phải làm lại Triple test.
Nếu siêu âm không chỉ ra được bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến bất thường của β-hCG, AFP và uE3 thì gợi ý thai phụ nên được chọc ối, làm nhiễm sắc thể đồ để chẩn đoán xác định hội chứng Down, hội chứng Edward và các bất thường nhiễm sắc thể khác với độ chính xác là 99,4-99,8%.
Điều cần chú ý nữa là Triple test không có khả năng giúp phát hiện tất cả các dị tật bẩm sinh, nghĩa là không thể phát hiện tất cả các dị tật ống thần kinh hoặc các dị tật khác của nhiễm sắc thể.  Nó chỉ có thể cảnh báo người thầy thuốc rằng hiện tại thai có nguy cơ tăng đối với một số dị tật và rằng chọc ối cần phải được xem xét thực hiện để chẩn đoán xác định.
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật
Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

6 món ngon nguy hiểm chết người


Có những món ăn khá phổ biến và tưởng chừng như hoàn toàn vô hại nhưng chúng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Mặc dù vậy, bất chấp sự nguy hiểm đó, đa số những món ăn này đều được ưa chuộng ở các quốc gia vì hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng chúng mang lại.
1. Hàu

Hàu sống là món ăn được ưa thích, ngay cả ở Việt Nam.
Trong bảng xếp hạng những món ăn mang lại nhiều rủi ro nhất do Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ khuyến cáo, hàu có thứ hạng khá cao về nguy cơ gây ra đột quỵ. Hai mầm bệnh thủ phạm chính chứa trong hàu là Norovirus, có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày và Vibrio, một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu. Mặc dù vậy, hàu luôn là một trong những sự lựa chọn đầu tiên cho những ai mê hải sản.
2. Nấm

Một loại nấm độc.
Nấm là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, lại có mùi thơm, béo, mọc nhiều trong tự nhiên nên thường được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon trong thực đơn hằng ngày ở hầu khắp các quốc gia. Một số loại nấm lành thông dụng như nấm hương, nấm kim châm, nấm rơm...
Tuy nhiên không phải loại nấm nào cũng có thể dùng làm thức ăn cho người được. Triệu chứng ngộ độc nấm thường là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, co giật, hôn mê. Một số loại nấm độc có thể khiến người ăn tử vong hay sau khi sử dụng. Do đó, bạn tuyệt đối không nên thử những loại nấm lạ trong rừng khi đi dã ngoại.
Cách phổ biến nhất để phân biệt nấm độc chính là bằng mắt thường bởi đa số các loại nấm độc có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt như vàng, trắng, xanh oliu, tím, đỏ cam... có cuống mập mạp.
3. Cá ngừ

Cá ngừ phi lê.
Cá ngừ là món ăn được yêu thích ở nhiều quốc gia, tuy nhiên việc ngày càng nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc cá ngừ khiến các thực khách tỏ ra ít nhiều nghi ngại.
Ô nhiễm nguồn nước do các chất thải công nghiệp chính là nguyên nhân khiến món ăn này (bao gồm cả cá ngừ đóng hộp) bị liệt vào danh sách những món ăn bị cấm cửa, khi gây ra một số bệnh nguy hiểm liên quan đến methylmercury như hội chứng chậm phát triển ở trẻ em.
Các tác nhân gây bệnh chính trong cá ngừ là scombrotoxin, được hình thành do việc xử lý cá sai quy trình từ khi mới được đánh bắt, gây ra hàng trăm ca bệnh mỗi năm. Các triệu chứng ban đầu thường là đau đầu đi kèm tiêu chảy, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mù mắt.
Giải pháp an toàn nhất chính là luôn bảo quản cá ở nhiệt độ thích hợp và chỉ ăn ở những nhà hàng có uy tín.
4. Cá nóc

Sashimi cá nóc.
Fugu (tiếng Nhật: dùng để chỉ những món ăn làm từ cá nóc) có chứa một loại chất độc cực mạnh có tên là tetrodotoxin có thể gây ra suy hô hấp và tử vong cho người dùng. Chất độc này chủ yếu nằm ở buồng trứng, gan, ruột của con cá và chỉ cần một giọt nhỏ cũng có thể gây chết người. Ở nhiều quốc gia như Việt Nam, người dân được khuyến cáo không nên ăn loại cá này vì nguy cơ ngộ độc cao.
Mặc dù vậy, ở Nhật, người ta vẫn ăn cá nóc nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Chỉ những đầu bếp đã đủ điều kiện, được đào tạo bài bản và trải qua kỳ thi sát hạch nghiêm ngặt mới được chế biến loại cá kịch độc này để tránh tai nạn chết người do cá nóc gây ra.
Fugu được dùng cho món sashimi và chirinabe. Phần gan cá ngon nhất nhưng cũng là độc nhất nên việc chế biến bộ phận này trong các nhà hàng bị cấm ở Nhật từ năm 1984. Mặc dù vậy, fugu vẫn là một trong những món ăn được ưa chuộng và nổi tiếng nhất của ẩm thực xứ phù tang.
5. Sannakji (Bạch tuộc sống)

Xúc tu của bạch tuộc sẽ liên tục ngo ngoe trên đĩa sẽ khiến nhiều người khiếp vía.
Món ăn này “sát hại” trung bình 6 người mỗi năm ở Hàn Quốc, và chắc chắc khiến rất nhiều người phải nhập viện nhưng Sannakji, món bạch tuộc sống, vẫn khiến nhiều người mê mệt.
Đây là một món ăn tươi sống độc đáo ở Hàn Quốc. Món này bao gồm một con bạch tuộc còn sống nhưng được cắt ra làm nhiều lát nhỏ và dùng trực tiếp, không qua chế biến và được ăn cùng dầu mè. Những chiếc xúc tu của con bạch tuộc sẽ liên tục cựa quậy trên đĩa khiến nhiều thực khách không khỏi hoảng sợ.
Nguy hiểm hơn, các xúc tu này có thể khiến bạn bị nghẹt thở, thậm chí tử vong nếu không nhai kỹ, để chúng "ngo ngoe", chẹn ngang cổ họng của bạn. Giải pháp an toàn nhất chính là nhai 100 lần trước khi nuốt và không nên nói chuyện khi miệng còn đầy những miếng sannakji còn sống.
6. Ackee

Đây là một loại quả thuộc họ vải, được xem như là "quốc quả" của đất nước Jamaica. Tuy nhiên, trên lớp vỏ của loại quả này chứa những chất không mấy an toàn với sức khỏe nếu ăn khi chúng vẫn còn xanh.
Nếu lỡ may nhiễm độc từ chúng, bạn có thể bị nôn mửa, co giật, thậm chí là tử vong. Để có một chuyến đi trong mơ tới đất nước vùng Tây Phi xinh đẹp, bạn nên lưu tâm một chút tới loại quả ackee để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Giải pháp duy nhất cho những ai vẫn muốn nếm thử loại quả tử thần này chính là hãy kiên nhẫn. Để thưởng thức hương vị thơm ngon và bổ dưỡng của ackee, bạn nhất thiết phải chờ đợi cho đến khi quả chín, chuyển sang màu đỏ và lớp thịt quả tách ra khỏi hạt đen chứa độc tố ở bên trong. Sau đó, luộc chúng lên, nêm gia vị thích hợp và ăn cùng cá ướp muổi. Và thế là bạn đã có một món ăn truyền thống, mang đậm hương vị Jamaica.
SuZi Nguyễn

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

CPR (CARDIO PULMONARY RESUSCITATINON)


Gồm 5 bước
Bước 1: Danger ( Nguy hiểm)

Đảm bảo không còn nguy hiểm đối với nạn nhân và người cấp cứu.
Bước 2: Response (Đáp ứng)
- Trước tiên ta cần kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh hay bất tỉnh.
- Nếu còn tỉnh ta đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục và lien tục theo dõi cho đến khi nhân viên y tế đến.
- Nếu bất tỉnh ta thực hiện tiếp bước 3
- Trước khi thực hiện tiếp bước 3 ta nên nới lỏng quần áo, lấy các vật cộm trong túi áo, quần của nạn nhân ra.
Bước 3: Air way (Khai thông đường thở)
- Lấy mọi dị vật gây tắc nghẽn đường thở trong miệng nạn nhân,kể cả răng già nếu có.
- Thông đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa đầu. nếu nghi bị chấn thương cột sống cổ ta phải thực hiện như sau: nâng hàm nhẹ vừa phải,đủ để không khí vào, phải làm hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận. Nếu không sẽ làm cho tổn thương đốt sống cổ của nạn nhân trở nên trầm trọng hơn.
- Trường hợp lấy hết dị vật ra nhưng đường thở vẫn chưa thong,ta phải dung phương pháp Hemlich
· Phương pháp Hemlich:
- Là cấp cứu ngay sau khi người bệnh bị nạn mà trong tay người cấp cứu không có đầy đủ phương tiện.
- Chỉ áp dụng trong trường hợp tối cấp, vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong
- Đối với ngạt thở do chất lỏng (sữa, bột…): nhanh chóng khai thông đường thở, ngay lập tức nắm 2 cổ chân trẻ đưa lên cao, đầu hướng xuống dưới, tay kia vỗ mạnh lưng trẻ để làm trẻ khóc mạnh lên.
- Dị vật không phải chất lỏng: làm nghiệm pháp Hemlich
- Với trẻ > 1 tuổi: thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm
- Với trẻ lớn hoặc người lớn: thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm
- Với trẻ < 1 tuổi: theo uỷ ban phòng chống tai nạn và ngộ độc của Viện hàn lâm Mỹ cho rằng cấp cứu đầu tiên khi bị ngạt là nên thổi ngược lại (giống hô hấp nhân tạo) vì chấn thương bụng có thể xảy ra khi làm Hemlich
+ Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứunạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn
+ Hemlich ngồi hoặc đứng : người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần)
- Nếu biện pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông
Bước 4: Breathing (Nhịp thở)
Quan sát lồng ngực,tai cấp cứu viên để áp sát mũi, mắt nhìn lồng ngực nhằm:
- Nhìn: xem lồng ngực di động hay không.
- Nghe: nghe hơi thở.
- Cảm nhận: cảm nhận hơi ấm của nạn nhân.
Nhìn,nghe, cảm nhận trong vòng 5 giây để xác dịnh nạn nhân còn thở hay không. Nếu không thở, hà hơi thổi ngạt 5 lần liên tục.Chú ý quan sát lồng ngực có nâng lên hay không. Nếu thổi không đúng cách, lồng ngực sẽ không nâng lên được.
Nguyên nhân không khí không vào phổi được là:
- Ngửa đầu không đủ để thông thoáng đường thở.
- Có vật nghẽn đường thở.
- Áp miệng không đúng cách, không sát (khít) miệng nạn nhân.
- Bịt mũi không kín.
Bước 5:Circulation (Mạch)
Kiểm tra mạch cổ trong vòng 10 giây. Lúc này có 1 trong 2 trường hợp xảy ra:
· Trường hợp có mạch không thở:
- Tiếp thở: thổi 1 hơi nghỉ 5 giây, thực hiện 10 lần / 1 phút. 
- Sau đó trở lại kiểm tra mạch và thở.
- Lúc thổi ta phải quan sát xem lồng ngực có di động hay không.
· Trường hợp không mạch không thở:
Một cấp cứu viên: Ta làm các bước sau:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, cấp cứu viên quỳ thẳng gối bên hông nạn nhân, chân ngang vai nạn nhân. Dùng tay kiểm tra xương ức nhằm tìm đúng vị trí để nhấn tim.
- Ấn ngực 15 cái, thồi 2 hơi. Thực hiện như vậy 4 lần/ 1 phút.
- Sau đó kiểm tra lại mạch và nhịp thở. Lúc này cũng sẽ có 1 trong 2 trường hợp xảy ra như trên.
Đối với 1 trong 2 trường hợp trên, sau khi thực hiện 1 phút nên kiểm tra lại nếu vẫn chưa hồi phục thì ta sẽ phải thực hiện tiếp tục cho đến khi nhân viên y tế đến. Nếu có thở, có mạch thì kiểm tra lại toàn thân nạn nhân nhằm tìm ra các chấn thương khác và sau đó đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục.
Hai cấp cứu viên: 
- Tư thế: hai người ngồi đối diện nhau,người thổi ngạt quỳ từ ngang vai trở lên đầu, người ấn tim quỳ từ vai trở xuống thân của nạn nhân.
- Thực hiện : Ấn 5 cái, thối 1 hơi .Thực hiện như vậy 10 lần / 1 phút.
- Người ấn tim vừa ấn vừa đếm.
- Người thổi ngạt lắng nghe để thực hiện đúng nhịp.
- Giữa hai người có thể đổi vị trí cho nhau trong khi thực hiện.
- Sau đó kiểm tra lại mạch và nhịp thở. Lúc này cũng sẽ có 1 trong 2 trường hợp xảy ra như trên.
CPR cho trẻ em trên 12 tuổi: Tiến hành tương tự như người lớn.
CPR cho trẻ dưới 12 tuổi: Tiến hành như người lớn nhưng khi ấn chỉ dùng 1 tay và ấn sâu khoảng 2cm đến 3cm.
CPR cho trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: Khi ấn chỉ dùng 2 ngón tay trỏ và giữa. ấn sâu từ 1cm đến 2cm.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

RUỘT THỪA ĐÔI, BỆNH LÝ NGUY HIỂM


Ruột thừa đôi là một trường hợp bất thường rất khó chẩn đoán, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu bị bỏ qua trong khi phẫu thuật. Bất thường này có dấu hiệu gì? Bệnh nguy hiểm nếu bỏ sót
Tuy là một bệnh ít gặp, nhưng các biến chứng phát sinh từ một ruột thừa đôi bị bỏ qua có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Từ ca bệnh sau đây chúng ta sẽ tìm ra những dấu hiệu có ích cho chẩn đoán ruột thừa đôi.
Các týp ruột thừa đôi theo phân loại Cave-Wallbridge.
Bệnh nhân 35 tuổi, đau hố chậu phải, khám lâm sàng và các xét nghiệm thấy tình trạng viêm ruột thừa cấp tính. Bệnh nhân đã được mổ nội soi cắt ruột thừa. Ruột thừa cắt ra, nhìn đại thể là bình thường, sau mổ không có biến chứng, không có bất thường nào khác. Bệnh nhân được xuất viện sau phẫu thuật 4 ngày. Nhưng 8 ngày sau bệnh nhân nhập viện lại trong tình trạng: đã 3 ngày đau bụng dưới, đau nhiều vùng hố chậu phải, kèm theo đầy bụng và nôn mửa. Bác sĩ khám thấy: bệnh nhân sốt, nhịp tim nhanh, thể trạng kém, có phản ứng thành bụng; ấn điểm Mcburney đau; các xét nghiệm cho thấy tình trạng viêm, nhiễm khuẩn nặng. Chụp CTscan cho thấy có một khối nhỏ chứa khí và chất lỏng nằm dưới đoạn thứ ba của tá tràng với một cấu trúc hình ống mỏng kéo dài từ khối này đến đoạn cuối hồi tràng. Nhận định ban đầu là: khả năng cao của viêm túi thừa Meckel và bị thủng ở đoạn đầu. Khi tiến hành phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện thấy một áp-xe sau manh tràng, xung quanh một ruột thừa thứ hai đang trong tình trạng hoại tử và rất dễ vỡ, đi từ các gốc manh tràng. Khi đó, bác sĩ tìm thấy ngay gốc ruột thừa từ phẫu thuật cắt ruột thừa lần trước, được khâu với vicryl còn nguyên vẹn. Tiến hành cắt ruột thừa thứ 2. Tuy nhiên hậu phẫu lần này phải kéo dài do tắc ruột và đau nhiều. Vì vậy bệnh nhân được xuất viện sau phẫu thuật 10 ngày. Chẩn đoán mô học cho thấy đây là một ruột thừa hoại tử, so sánh với ruột thừa cắt lần đầu thì cả hai lần phẫu thuật đã cắt 2 ruột thừa.
Các dạng ruột thừa đôi
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ruột thừa có sự thay đổi về kích thước và vị trí là khá phổ biến, nhưng sự bất thường của ruột thừa đôi là hiếm và có thể được liên kết với các bất thường bẩm sinh khác. Theo một thống kê, trong 50.000 mẫu ruột thừa chỉ có 2 trường hợp ruột thừa đôi bẩm sinh. Tỷ lệ của ruột thừa đôi được ước tính là 0,004%. Trong đó phải phân biệt giữa ruột thừa đôi với túi thừa đơn độc của manh tràng, được tìm thấy ở cạnh bên trong của góc hồi manh tràng và không chứa mô lympho.
Theo phân loại Cave-Wallbridge dựa trên các trường hợp báo cáo và phân chia ruột thừa đôi thành ba loại gồm: týp A là một manh tràng với gốc ruột thừa bình thường, chỉ có 1 phần nhân đôi. Týp B là một manh tràng với hai ruột thừa hoàn toàn riêng biệt và được chia thành hai nhóm nhỏ là: loại B1 là hai ruột thừa nằm đối xứng ở hai bên của góc hồi manh tràng, giống như ở các loài chim; loại B2 còn gọi là loại “dải cơ dọc manh tràng” là một ruột thừa xuất phát từ gốc manh tràng như bình thường và ruột thừa thứ hai ở vị trí dọc theo các dải cơ dọc khác với ruột thừa thứ nhất. Týp C là nhân đôi đầu manh tràng, từng manh tràng có ruột thừa riêng của mình.
Trở lại trường hợp bệnh nhân ở trên, ruột thừa đôi của bệnh nhân này thuộc loại B2 và đây là ruột thừa đôi thường gặp nhất. Tuy hiếm, nhưng ruột thừa đôi vẫn có thể gặp. Nếu bỏ qua ruột thừa đôi có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Cảnh giác phát hiện bệnh
Qua trường hợp trên, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa nên chú ý về khả năng của ruột thừa đôi. Bác sĩ cần kiểm tra manh tràng khi cắt ruột thừa trong quá trình phẫu thuật để loại trừ các bất thường ruột thừa. Việc ghi nhớ phân loại Cave-Wallbridge rất có ích cho bác sĩ phẫu thuật để phát hiện các dạng của ruột thừa đôi.
Đối với bệnh nhân sau mổ viêm ruột thừa: cần cảnh giác khi đang trong những ngày hậu phẫu mà có sốt trở lại, có đau bụng dưới, đau nhiều vùng hố chậu phải, có đầy bụng, nôn mửa. Tự ấn vùng hố chậu phải thấy đau, sờ vào thành bụng có phản ứng khác thường... Khi đó cần nhanh chóng trở lại bệnh viện đã mổ ruột thừa cho mình để được khám và chẩn đoán điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên đi khám ở một nơi khác vì sự theo dõi bệnh không được đầy đủ chi tiết bằng nơi bệnh nhân đã mổ, dễ dẫn đến việc chẩn đoán khó chính xác một trường hợp ruột thừa đôi. Hiểu biết về ruột thừa đôi giúp bệnh nhân thông cảm và phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị.

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Kinh hãi những ký sinh trùng bò lúc nhúc trong người


Kinh hãi giun bò nhúc nhích dưới da
Thông tin về một bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện với tình trạng giun bò nhúc nhích dưới da khắp cơ thể khiến người đọc kinh hãi. Nguyên nhân là do tiếp xúc nhiều với đất và vật nuôi mà không đeo găng tay nên đã bị ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào da sinh sống. Theo kết luận của Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa virus Ký sinh trùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì chị Lan (tên bệnh nhân - PV) đã nhiễm ký sinh trùng giun lươn (tên khoa học là Strongyloides Stercoralis).
Giun bò nhúc nhích dưới da chị Lan.
Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Nguyên nhân nhiễm giun lươn là do bệnh nhân tiếp xúc nhiều với đất, vật nuôi hoặc ăn hải sản tươi sống.
Cách đây chưa lâu, sau một chuyến nghỉ dưỡng tại resort ở Bình Thuận, cơ thể của 3 nữ du khách tại TP.HCM nổi những vệt nhỏ màu hồng và ngứa sau đó lan rộng ra một vài nơi.
Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện da liễu và được kết luận là bị côn trùng cắn và cho 10 ngày thoa thuốc kèm uống nhưng không khỏi. Cuối cùng cả 3 nữ du khách quyết định đến xét nghiệm tại bệnh viện ĐH Y Dược và được kết luận là bị nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo. Nguyên nhân là do 3 người khi đi du lịch đã đắp bùn và ủ người dưới cát để giải trừ… độc tố cho gan. Ấu trùng giun móc chó, mèo ở trong đất, cát xuyên qua da người, di chuyển dưới da, tạo thành những đường đi ngoằn ngoèo có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Ấu trùng giun di chuyển dưới da người gây ngứa ngáy, khó chịu.
Đây là trường hợp ấu trùng lạc chỗ, lạc chủ điển hình gây ra nên không ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều, chỉ gây ngứa do các chất tiết của ấu trùng. Để điều trị đặc hiệu thì bệnh khỏi nhanh và không để lại sẹo. Nếu không điều trị, bệnh có thể tự khỏi sau ba tuần.
Người đàn ông với gần trăm con giòi sống trong mũi
Ông Hà Cát Tự (76 tuổi) ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn bị viêm xoang được đưa vào viện trong tình trạng có giòi trắng, giòi xanh trong mũi. Trước đó, khi người nhà dùng thuốc nam nhỏ vào mũi, đã phát hiện có giòi trong lỗ mũi bên phải bò ra. Khoảng 50 con giòi màu trắng, màu xanh dài khoảng 1cm đã được gia đình gắp ra khỏi lỗ mũi ông Tự. Sau đó, tại bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên đã tiếp tục gắp được hơn 40 con giòi nữa trong mũi ông Tự. 
Ông Hà Cát Tự bị viêm nhiễm vách ngăn, phù nề và có giòi bên trong mũi.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (khoa Tai - Mũi - Họng), bệnh nhân bị viêm nhiễm vách ngăn, hoại tử, niêm mạc phù nề, mũi trái xung huyết. Theo chẩn đoán ban đầu, có thể do bệnh nhân có tiền sử viêm xoang nên trứng côn trùng theo đường ăn uống hoặc sử dụng thuốc nam để chui vào mũi làm tổ. Hiện nay, ông Tự đã tỉnh táo và không thấy giòi trong mũi bò ra nữa.

Người phụ nữ “đẻ” ra đỉa

Câu chuyện về chị Đinh Thị Liên, Thôn Phú Hậu thuộc xã Diễn Tân (Diễn Châu, Nghệ An) “đẻ” ra đỉa đã khiến không ít người phải rùng rợn và tò mò.
Theo chị Liên, khi chị đang đi làm ruộng thì thấy trong người khó chịu nên về sớm. Khi về gần đến nhà thì thấy máu chảy ra từ vùng kín khiến quần bị ướt. Có cái gì đó đang ngọ nguậy, chui ra từ vùng kín. Chị Liên dùng tay sờ xuống phía dưới cầm phần lồi ra của vật đang ngọ nguậy và kéo ra được cái gì đó dài chừng 30cm to bằng cổ tay người lớn (có đường kính khoảng 5cm)”. 
Chị Đinh Thị Liên, người “đẻ” ra đỉa diễn tả lại con đỉa chui từ trong cơ thể ra to bằng bắp tay.
Được biết, đó là loại đỉa trâu (Hirudinaria manillensis) là một loài đỉa thuộc ngành Giun đốt (Annelida), lớp đỉa (Hinrudinea) hay còn gọi là lớp giun không tơ achaeta) và là sinh vật sống ngoại ký sinh, nguồn thức ăn chính là máu của các loài động vật thuộc nhóm động vật có xương sống.
Đỉa trâu có môi trường sống ở các đầm lầy, ao hồ, nơi vùng trũng có nhiều trâu bò hay động vật có máu nóng, loại đỉa này cũng thường sống ký sinh trên rau muống. Đỉa trâu sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường.

Bị lột da vì nhiễm 4 loại kí sinh trùng chó, mèo


Đó là trường hợp hi hữu mà bệnh nhân Văn Viết Điền (sinh năm 1970, ngụ ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) mắc phải. Theo kết quả xét nghiệm thì anh bị nhiễm 4 loại kí sinh trùng là: Amip E.Histolytita, giun đũa chó mèo Toxocara SP, giun lươn Stronryloides Stercoralis, sán dải heo Cystycrose.
Anh Điền bị nhiễm 4 loại ký sinh trùng.
Ban đầu, chân tay ông bị sưng và sốt cao và có những biểu hiện khác thường. Ngay sau đó, người nhà đã đưa ông chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện: Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, viện da liễu và bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của anh đã giảm sút nghiêm trọng: tóc rụng sạch, cân nặng giảm sút từ 64kg xuống còn 34kg. 

Cậu bé 3 tuổi chứa nửa cân giun trong bụng
Cậu bé Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi, quê xã miền núi Tam Trà, huyện Núi Thành) được nhập viện với các triệu chứng đau trướng bụng dữ dội, nôn mửa, thể trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Sau khi tiến hành các xét nghiệm và các kỹ thuật hình ảnh, các bác sĩ xác định trong bụng bệnh nhân có một lượng giun lớn, chính là nguyên nhân gây tắc ruột.
Toàn bộ ruột của bé Đạt căng phồng.

Sau 3 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ, các y bác sĩ đã gắp được tổng cộng hơn 300 con giun dài 0,3-1cm, tổng trọng lượng hơn 0,5kg. Các bác sĩ cũng nhận định đây là ca bệnh nhi hy hữu, lần đầu tiên một cháu bé gần 3 tuổi mang trong bụng một lượng giun lớn đến như vậy.
Số giun bác sĩ lấy ra từ ruột bé Đạt.
Đây là trường hợp điển hình của tình trạng người dân thiếu ý thức trong chăm sóc, vệ sinh sức khỏe cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với các vùng làng quê, đã khiến hầu hết trẻ em ở vùng sâu vùng xa hiện nay đều mắc giun sán, dẫn đến suy dinh dưỡng và các biến chứng khác nguy hại đến sức khỏe. Mặc dù hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đã cung cấp thuốc xổ giun miễn phí đến trạm y tế xã, chỉ cần phụ huynh liên hệ với trạm y tế xã để nhận thuốc xổ giun định kỳ cho con em.

Hiền Anh (Tổng hợp)