Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Kinh hãi những ký sinh trùng bò lúc nhúc trong người


Kinh hãi giun bò nhúc nhích dưới da
Thông tin về một bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện với tình trạng giun bò nhúc nhích dưới da khắp cơ thể khiến người đọc kinh hãi. Nguyên nhân là do tiếp xúc nhiều với đất và vật nuôi mà không đeo găng tay nên đã bị ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào da sinh sống. Theo kết luận của Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa virus Ký sinh trùng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì chị Lan (tên bệnh nhân - PV) đã nhiễm ký sinh trùng giun lươn (tên khoa học là Strongyloides Stercoralis).
Giun bò nhúc nhích dưới da chị Lan.
Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Nguyên nhân nhiễm giun lươn là do bệnh nhân tiếp xúc nhiều với đất, vật nuôi hoặc ăn hải sản tươi sống.
Cách đây chưa lâu, sau một chuyến nghỉ dưỡng tại resort ở Bình Thuận, cơ thể của 3 nữ du khách tại TP.HCM nổi những vệt nhỏ màu hồng và ngứa sau đó lan rộng ra một vài nơi.
Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện da liễu và được kết luận là bị côn trùng cắn và cho 10 ngày thoa thuốc kèm uống nhưng không khỏi. Cuối cùng cả 3 nữ du khách quyết định đến xét nghiệm tại bệnh viện ĐH Y Dược và được kết luận là bị nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo. Nguyên nhân là do 3 người khi đi du lịch đã đắp bùn và ủ người dưới cát để giải trừ… độc tố cho gan. Ấu trùng giun móc chó, mèo ở trong đất, cát xuyên qua da người, di chuyển dưới da, tạo thành những đường đi ngoằn ngoèo có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Ấu trùng giun di chuyển dưới da người gây ngứa ngáy, khó chịu.
Đây là trường hợp ấu trùng lạc chỗ, lạc chủ điển hình gây ra nên không ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều, chỉ gây ngứa do các chất tiết của ấu trùng. Để điều trị đặc hiệu thì bệnh khỏi nhanh và không để lại sẹo. Nếu không điều trị, bệnh có thể tự khỏi sau ba tuần.
Người đàn ông với gần trăm con giòi sống trong mũi
Ông Hà Cát Tự (76 tuổi) ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn bị viêm xoang được đưa vào viện trong tình trạng có giòi trắng, giòi xanh trong mũi. Trước đó, khi người nhà dùng thuốc nam nhỏ vào mũi, đã phát hiện có giòi trong lỗ mũi bên phải bò ra. Khoảng 50 con giòi màu trắng, màu xanh dài khoảng 1cm đã được gia đình gắp ra khỏi lỗ mũi ông Tự. Sau đó, tại bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên đã tiếp tục gắp được hơn 40 con giòi nữa trong mũi ông Tự. 
Ông Hà Cát Tự bị viêm nhiễm vách ngăn, phù nề và có giòi bên trong mũi.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường (khoa Tai - Mũi - Họng), bệnh nhân bị viêm nhiễm vách ngăn, hoại tử, niêm mạc phù nề, mũi trái xung huyết. Theo chẩn đoán ban đầu, có thể do bệnh nhân có tiền sử viêm xoang nên trứng côn trùng theo đường ăn uống hoặc sử dụng thuốc nam để chui vào mũi làm tổ. Hiện nay, ông Tự đã tỉnh táo và không thấy giòi trong mũi bò ra nữa.

Người phụ nữ “đẻ” ra đỉa

Câu chuyện về chị Đinh Thị Liên, Thôn Phú Hậu thuộc xã Diễn Tân (Diễn Châu, Nghệ An) “đẻ” ra đỉa đã khiến không ít người phải rùng rợn và tò mò.
Theo chị Liên, khi chị đang đi làm ruộng thì thấy trong người khó chịu nên về sớm. Khi về gần đến nhà thì thấy máu chảy ra từ vùng kín khiến quần bị ướt. Có cái gì đó đang ngọ nguậy, chui ra từ vùng kín. Chị Liên dùng tay sờ xuống phía dưới cầm phần lồi ra của vật đang ngọ nguậy và kéo ra được cái gì đó dài chừng 30cm to bằng cổ tay người lớn (có đường kính khoảng 5cm)”. 
Chị Đinh Thị Liên, người “đẻ” ra đỉa diễn tả lại con đỉa chui từ trong cơ thể ra to bằng bắp tay.
Được biết, đó là loại đỉa trâu (Hirudinaria manillensis) là một loài đỉa thuộc ngành Giun đốt (Annelida), lớp đỉa (Hinrudinea) hay còn gọi là lớp giun không tơ achaeta) và là sinh vật sống ngoại ký sinh, nguồn thức ăn chính là máu của các loài động vật thuộc nhóm động vật có xương sống.
Đỉa trâu có môi trường sống ở các đầm lầy, ao hồ, nơi vùng trũng có nhiều trâu bò hay động vật có máu nóng, loại đỉa này cũng thường sống ký sinh trên rau muống. Đỉa trâu sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường.

Bị lột da vì nhiễm 4 loại kí sinh trùng chó, mèo


Đó là trường hợp hi hữu mà bệnh nhân Văn Viết Điền (sinh năm 1970, ngụ ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) mắc phải. Theo kết quả xét nghiệm thì anh bị nhiễm 4 loại kí sinh trùng là: Amip E.Histolytita, giun đũa chó mèo Toxocara SP, giun lươn Stronryloides Stercoralis, sán dải heo Cystycrose.
Anh Điền bị nhiễm 4 loại ký sinh trùng.
Ban đầu, chân tay ông bị sưng và sốt cao và có những biểu hiện khác thường. Ngay sau đó, người nhà đã đưa ông chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện: Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, viện da liễu và bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của anh đã giảm sút nghiêm trọng: tóc rụng sạch, cân nặng giảm sút từ 64kg xuống còn 34kg. 

Cậu bé 3 tuổi chứa nửa cân giun trong bụng
Cậu bé Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi, quê xã miền núi Tam Trà, huyện Núi Thành) được nhập viện với các triệu chứng đau trướng bụng dữ dội, nôn mửa, thể trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Sau khi tiến hành các xét nghiệm và các kỹ thuật hình ảnh, các bác sĩ xác định trong bụng bệnh nhân có một lượng giun lớn, chính là nguyên nhân gây tắc ruột.
Toàn bộ ruột của bé Đạt căng phồng.

Sau 3 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ, các y bác sĩ đã gắp được tổng cộng hơn 300 con giun dài 0,3-1cm, tổng trọng lượng hơn 0,5kg. Các bác sĩ cũng nhận định đây là ca bệnh nhi hy hữu, lần đầu tiên một cháu bé gần 3 tuổi mang trong bụng một lượng giun lớn đến như vậy.
Số giun bác sĩ lấy ra từ ruột bé Đạt.
Đây là trường hợp điển hình của tình trạng người dân thiếu ý thức trong chăm sóc, vệ sinh sức khỏe cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với các vùng làng quê, đã khiến hầu hết trẻ em ở vùng sâu vùng xa hiện nay đều mắc giun sán, dẫn đến suy dinh dưỡng và các biến chứng khác nguy hại đến sức khỏe. Mặc dù hiện nay, hệ thống y tế dự phòng đã cung cấp thuốc xổ giun miễn phí đến trạm y tế xã, chỉ cần phụ huynh liên hệ với trạm y tế xã để nhận thuốc xổ giun định kỳ cho con em.

Hiền Anh (Tổng hợp)

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012


Ngày 4/1, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 31/QĐ-BYT công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012 - đánh dấu một năm với nhiều dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
1. Ngành y tế đã tiến hành kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng hơn 4 lần so năm 2011. Đặc biệt đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012 1
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khám cho một bệnh nhân ở xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi. Nguồn: Internet.
2. Đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong y học tại Việt Nam như: ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền...  đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

3. Lần đầu tiên sau 18 năm, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập; liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, theo đó điều chỉnh 470/3000 giá dịch vụ y tế. Nghị định tạo một nền tảng để cải tiến, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, từng bước chuyển dần đầu tư ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cho người được hưởng thụ dịch vụ.

4. Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong 04 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân Việt Nam, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

5. Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng mang tính ưu việt và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.

6. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Nghị định ra đời cơ bản đã giải quyết được những vấn đề chồng chéo nhiệm vụ trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế.

7. Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị của Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam, được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là Hội nghị thành công và ấn tượng nhất. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 35/37 quốc gia, trong đó có 22 Bộ trưởng. Hội nghị đã thông qua được 09 Nghị quyết về các vấn đề y tế trọng tâm của Khu vực Tây Thái Bình Dương.

8. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, nhằm huy động toàn xã hội tham gia giải quyết những vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh yêu nước từ 02/7/1958.

9. Hoàn thành Đề án giảm quá tải bệnh viện trình Chính phủ và bước đầu thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đã và đang đưa vào sử dụng 1350 giường bệnh mới thuộc các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nội tiết tại tuyến Trung ương, từng bước góp phần giảm tải bệnh viện.

10. Đã triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc hiệu quả, giảm chi phí trong khám chữa bệnh, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.


Báo Sức khỏe và Đời sống  giới thiệu 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012:
Lâm Mộc

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

NHỮNG CA BỆNH ĐẶC BIỆT CỦA THẾ KỶ XXI


Phẫu thuật u khổng lồ "ăn" hết mắt bệnh nhân

Với sự phối hợp của 3 bệnh viện, sau 10 tiếng các bác sĩ đã cắt bỏ được khối u mặt khổng lồ đã ăn hết mắt bệnh nhân làm mắt lồi 4cm, cao 6cm và ăn vào não, xương hàm trên và phần mũi.
Đó là bệnh nhân Nguyễn Tiến B., 28 tuổi ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Năm 1999 gia đình phát hiện B bị khối u ở mặt và đưa đi phẫu thuật. Đến năm 2003, u bắt đầu phát triển ngày một to, lấn hết phần mắt bệnh nhân, đẩy mắt lồi ra khoảng 4 cm, cao 6cm, khiến bệnh nhân mù hẳn mắt trái. Gia đình đã đưa đi khám nhiều nơi nhưng đều không chữa trị được.
Trong một lần các bác sĩ trẻ đi khám tình nguyện tại Thái Nguyên đã thăm khám cho B và quyết định chuyển xuống Hà Nội để hội chẩn phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Công Tô, Phó Giám đốc BV Xanh Pôn, người trực tiếp chỉ đạo kíp mổ cho hay, sau khi thăm khám, chụp cộng hưởng từ cho thấy, khối u của B. ăn từ não xuống dưới mắt, làm lồi mắt gây hỏng và mù. U tiếp tục lan sang xương hàm trên, đẩy xuống dưới, ăn lòi phần mũi… khiến khuôn mặt bệnh nhân bị lệch và trông rất đáng sợ. 
Đặc biệt, đây là một khối u giàu mạch máu đã ăn dính vào động mạch cảnh trong và xoang hang trong não. U bắt đầu lan sang mắt phải, chèn ép mũi phải khiến bệnh nhân phải thở bằng mồm. Bệnh viện xác định đây là một khối u hiếm gặp, chưa từng có, tiên lượng khó khăn, vì vậy bệnh viện đã nhiều lần tổ chức hội chẩn với các chuyên gia bên BV Mắt TƯ, BV Tai Mũi Họng TƯ và khoa Phẫu thuật thần kinh của bệnh viện để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Khoa phẫu thuật Thần kinh, BV Xanh Pôn, ngày 14/3, bệnh nhân được thực hiện nút mạch để hạn chế tình trạng máu chảy ồ ạt khi mổ. 9h sáng 15/3, ca mổ được bắt đầu với 3 kíp mổ: Răng hàm mặt, mắt và thần kinh sọ não. Kíp mổ đã phải tiến hành trên hai đường mổ: một đường mổ dài từ môi trên sang cánh mũi bên phải lên trần hốc mắt để cắt bỏ u trên mắt, mũi và hàm. Đường mổ thứ hai từ chân tóc trên trán, thái dương bên phải, mở hộp sọ để lấy u lan vào não… 
Sau 10 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 2 lít máu, các chuyên gia đã bóc tách được 95% khối u. BS Hưng cho biết,  một phần khối u đã ăn dính vào động mạch cảnh trong và xoanh hang, ăn thủng nền sọ nên chỉ bóc tách được gần đến nơi, nếu bóc hết sẽ gây thủng động mạnh cảnh trong, bệnh nhân sẽ tử vong. Tuy nhiên, với kết quả giải phẫu tế bào u lành tính nên tiên lượng với bệnh nhân rất tốt.
Chiều 19/3/2012 bệnh nhân B. đã hoàn toàn tỉnh táo. BS Hưng cho biết thêm, khoảng 2 tuần nữa bệnh nhân có thể ra viện. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ phải tiến hành mổ đợt 2 sau khoảng 2 – 3 tháng để tạo hình lại khuôn mặt bằng cách đắp mặt, lắp mắt giả…
                                   

Máy chụp cắt lớp CT 320 hiện đại nhất Đông Nam Á


Để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị,  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa vào sử  dụng máy chụp CT 320 lớp hình ảnh động hiện đại nhất  hiện nay và đây cũng là chiếc máy đầu tiên của khu vực  Đông Nam Á. 
                                  
                         
Máy chụp CT 320 có khả năng cho diện vị  trí giải phẫu của cơ quan tới 16cm trong một lần chụp  nhờ vào độ phân giải cực cao và khoảng cách giữa mỗi  lát cắt là 0,5 mm giúp chẩn đoán hình ảnh toàn bộ các  cơ quan trong cơ thể người như tim, não…
Trong khi đó  với các thiết bị CT hiện đại khác thì phải mất 7 lần cho  việc chụp não và 7-10 lần cho chụp tim giúp người bệnh  giảm bớt được các xét nghiệm bổ sung và các thủ thuật  xâm lấn. 
Ngoài ra, khi được sử dụng thiết bị này, việc  kiểm tra chức năng của các cơ quan cần chẩn đoán được  hoàn thành trong vài phút, người bệnh chỉ phải truyền ít  thuốc cản quang và ít bị ảnh hưởng phóng xạ hơn.
               

Nút mạch điều trị ung thư gan


Phương pháp nút mạch gan không phải phẫu thuật, không chảy máu, không có biến chứng nặng, mang lại thời gian sống thêm cho bệnh nhân từ 16 tháng trở lên.
Ung thư gan, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) chiếm tới 90%, là một bệnh hiểm nghèo, sớm đem lại tử vong và đang có xu hướng phát triển ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Trong đó điều trị phẫu thuật (cắt gan) được biết như phương pháp chữa bệnh duy nhất nhưng ít khi có thể làm được vì có tới 80% bệnh nhân có nhiều u hay u quá lớn, u xâm lấn các tổ chức khác. Đôi khi tổn thương trước đây như xơ gan làm cho phẫu thuật cắt gan khó tránh khỏi nguy cơ suy gan. Với những trường hợp như vậy ghép gan là phương pháp thay thế có triển vọng nhưng kết quả cũng hạn chế vì nguy cơ tái phát do u di căn chưa biết và có thể do điều trị giảm miễn dịch làm u phát triển.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị UTBMTBG như phẫu thuật, phá hủy u bằng các tác nhân lý - hóa (tiêm cồn, tiêm axit axêtic, đốt nhiệt tần số radio, xạ trị trong hoặc ngoài), nút hóa chất động mạch gan, ghép gan. Trong đó, nút hóa chất là phương pháp an toàn và có thể thực hiện được cho phần lớn các trường hợp UTBMTBG không thể phẫu thuật được (80%).
Phương pháp nút mạch gan rất phù hợp với những bệnh nhân có khối u gan nguyên phát tương đối lớn, nằm gần các mạch lớn không thể cắt bỏ. Với những khối u có kích thước 10cm trở lại, chưa xâm lấn vào tĩnh mạch cửa gây huyết khối (lòng mạch đặc kết lại, mạch máu không còn lưu thông) thì nút mạch sẽ cho hiệu quả thấy rõ. Ưu điểm nối bật khi thực hiện can thiệp là không gây chảy máu, tránh được vết mổ, điều trị trực tiếp trên khối u (bơm hoá chất và làm tắc mạch nuôi khối u), các hoá chất hủy diệt khối ung thư không tổn thương đến nhu mô lành lân cận.
Bệnh nhân thường phải làm từ 1 - 2 lần. Lần đầu, 63% tắc mạch hoàn toàn u không còn ngấm thuốc cản quang, trường hợp u lớn trên 7cm, tắc mạch chưa hết sẽ được thực hiện tiếp lần 2 sau một thời gian. Kết quả, sau nút mạch 97% tốt ra viện, 3% biến chứng suy gan, 36% đau sau nút mạch, 16% sốt, 2% chảy máu tại chỗ chọc. Thời gian những bệnh nhân còn sống, khoẻ mạnh, siêu âm kiểm tra thấy u nhỏ đi, không có biểu hiện di căn đạt 32%, tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân sau 1 năm đạt 46%. Những bệnh nhân còn sống nhưng có biểu hiện u tiến triển là 59%.
BS Trịnh Quốc Đạt - Nguyễn Quang Nghĩa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Bướu mầm và bướu sợi mạch ở trung thất


Con trai tôi tên Châu Nhất Huy (17 tuổi) đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh ngày 18-5-2011, được bác sĩ chẩn đoán là bướu mầm và chuyển sang khoa ung bướu tại bệnh viện hóa trị nhưng không đáp ứng điều trị. Đến ngày 12-2-2012, các bác sĩ hội chẩn và cho sinh thiết thì hóa ra con tôi bị bướu sợi. Do con tôi bệnh nặng, lại bị chẩn đoán sai bệnh, cách điều trị không đúng nên hiện cháu đã bị hư một phổi, tim bị ép sang một bên.
Tại sao các bác sĩ lại chẩn đoán sai bệnh cho con tôi, gia đình tôi rất bức xúc về việc này. Châu Ngọc Huyền (Tiền Giang)
PGS.TS. BS Trần Quyết Tiến (phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) trả lời:
Bệnh nhân Châu Nhất Huy nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 18-5-2011 với chẩn đoán u trung thất trước, tràn dịch màng phổi phải. Ngày 20-5, bệnh nhân được sinh thiết u xuyên thành ngực, kết quả giải phẫu bệnh hướng đến u nguồn gốc tế bào mầm.
Từ cơ sở các kết quả cận lâm sàng và sau khi hội chẩn với chuyên khoa ung bướu, các bác sĩ đã thống nhất chẩn đoán cho bệnh nhân là u có nguồn gốc từ tế bào mầm. Sau ba chu kỳ hóa trị với phác đồ BEP (một phác đồ trong điều trị hóa trị), bác sĩ điều trị đánh giá bệnh nhân đáp ứng kém với phác đồ trên và tiến hành hội chẩn, thống nhất chuyển sang điều trị với phác đồ PEI (một phác đồ khác trong điều trị hóa trị).
Sau ba chu kỳ điều trị với phác đồ PEI , bệnh nhân vẫn tiếp tục đáp ứng kém. Với diễn tiến tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn và ngày 12-2-2012, bệnh nhân được chỉ định sinh thiết lại khối u với kết quả giải phẫu bệnh lý là bướu sợi mạch ở trung thất - chứng tỏ loại u này rất ác tính. Tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng, kết quả hội chẩn thống nhất không còn chỉ định hóa trị ung thư và đề nghị điều trị triệu chứng.
Về lứa tuổi bệnh nhân, hình ảnh học và diễn tiến lâm sàng là phù hợp với u nguồn gốc tế bào mầm vùng trung thất. Theo y văn, loại bướu này tương đối đáp ứng với điều trị. Đối với u ác tính có sự tăng sinh mạch máu để nuôi dưỡng u tạo nên hình ảnh giống như u mạch máu và thấy rõ ở vỏ bọc của khối u ác tính. U nguồn gốc tế bào mầm rất hay gặp yếu tố tăng sinh mạch máu.
Ở lần sinh thiết thứ hai, chỉ mới lấy được vỏ bọc của khối u. Như vậy kết quả giải phẫu bệnh của lần sinh thiết thứ hai không phủ định kết quả lần đầu mà còn làm tăng thêm giá trị là khối u ác tính do biểu hiện tăng sinh mạch máu nuôi nhiều đến mức giống như u máu.
Một số phác đồ điều trị hoá chất phối hợp
*BEP (Cisplatin, Etoposide, Bleomycine) là phác đồ được áp dụng rộng rãi nhờ sự thay thế Vinblastin bằng Etoposide làm tăng hiệu quả điều trị mà độc tính lại ít hơn.
*VIP (Etoposide, Cisplatin, Ifosfamide)
*VAC (Vincristine, Dactinomycin, Cyclophosphamide)
*PVB (Cisplatin, Bleomycine, Vinblastine)   
Các phác đồ trên được sử dụng từng bước với bước thứ nhất gồm phác đồ BEP 3-4 chu kỳ khi bệnh ở giai đoạn sớm, 4-6 chu kỳ khi bệnh tiến xa. Bước thứ hai là các phác đồ VIP , VAC, PVB tuỳ theo thể trạng bệnh nhân và tình trạng lâm sàng.

Thiết bị chụp cắt lớp hai nguồn tia

Thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CLVT) SOMATOM Definition Flash của Siemens vừa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sau khi hoàn tất việc lắp đặt và hướng dẫn sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Lễ khai trương thiết bị này được tổ chức vào ngày 23/2/2012.
                                 

                                                  

SOMATOM Definition Flash - thiết bị chụp CLVT mới nhất của Siemens được xếp hạng là thiết bị chụp CLVT tiên tiến nhất hiện nay. Nó được thiết kế để thực hiện các ca chụp CT thân thiện hơn với người bệnh.
Thiết bị SOMATOM® Definition Flash mở ra những cấp độ mới về tính thân thiện với người bệnh với tốc độ chụp toàn bộ vùng ngực dưới một giây. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh sẽ không cần phải nhịn thở. Một ca chụp toàn thân chỉ mất 5 giây còn các ca chụp tưới máu hay các ca chụp mạch phạm vi rộng sẽ trở thành chụp thường quy và các ca chụp bệnh nhi sẽ chỉ mất dưới một giây. Thiết bị Flash cũng là giải pháp để chụp các ca bệnh khó (ví dụ: các bệnh nhân béo phì và bị chấn thương, trẻ em hiếu động hay các bệnh nhân không thể nhịn thở lâu) nhờ vậy không làm mất thời gian trong quá trình thăm khám.

Với độ phân giải thời gian là 75ms và khả năng chụp tim chỉ mất ¼ giây, thiết bị này cho phép đạt được các mức liều tia dưới 1mSv trong một ca chụp CT tim- mức liều tia không thể đạt được trên các máy chụp CT thông thường trước đây.
PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thách thức lớn nhất trong chụp động mạch vành bằng máy chụp CLVT đa dãy là nhịp tim nhanh. Trước đây chúng tôi không thể chụp được mạch vành khi nhịp tim > 80 lần phút. Thậm chí kể cả nhịp tim trên 70 lần phút, chất lượng hình ảnh cũng sẽ không tốt. Thiết bị chụp CLVT SOMATOM Definition Flash cho phép chúng tôi chụp bất cứ bệnh nhân nào với bất kỳ nhịp tim nào mà không cần sử dụng thuốc giảm nhịp tim (βBlock)”.
Ông cho biết thêm: “Với độ phân giải không gian và thời gian cao, thiết bị chụp CLVT SOMATOM Definition Flash của Siemens giúp các ca chụp CT nhanh hơn, đồng thời mang đến chất lượng hình ảnh cao hơn so với các máy CT thông thường trước đây.”
Ông Erdal Elver, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Siemens Việt Nam cho biết: Siemens đã và đang cung cấp rất nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao tại bệnh viện Bạch Mai. Thiết bị này không những thân thiện với môi trường, mà còn rất thân thiện với bệnh nhân vì nó giúp giảm liều tia rất nhiều so với thế hệ máy trước đây. Thiết bị chụp CLVT tiên tiến này sẽ giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện đặc biệt là việc chẩn đoán các bệnh tim- một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với con người.
                 
                                           

ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO



Cần phân biệt thật, giả 
Đông trùng hạ thảo từ lâu được xếp vào loại thuốc quý hiếm của Đông y, có tác dụng “cải lão hoàn đồng” hay “hồi xuân, sinh lực”. Tuy nhiên, nguồn gốc của vị thuốc này khá đặc biệt, do một loài nấm (Cordiceps sinensis (Berk.) Sacc.), nhóm (Ascomycetes), ký sinh vào ấu trùng của một vài loài bướm trong Chi (Thitarodes Viette), trên thực tế có tới hàng chục loài ấu trùng của các loài bướm khác nhau.
Tuy nhiên, các loài ấu trùng đó lại chỉ tồn tại ở trên các cao nguyên có độ cao trung bình từ 4.000 - 5.000m so với mặt biển, như các cao nguyên thuộc vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Vân Nam… của Trung Quốc.
Các ấu trùng này lại sống bằng cách chỉ ăn rễ non của một loài cây họ Nghể (Polygonacea). Như vậy, để có được đông trùng hạ thảo chính danh, phải đáp ứng ít nhất 4 yếu tố: phải có nấm Cordiceps, phải có ấu trùng của loài bướm, phù hợp với việc ký sinh của nấm nói trên, phải ở độ cao nhất định và phải có thức ăn là rễ non của một loài cây phù hợp.
Do vậy, giá thành của đông trùng hạ thảo cũng khá đắt. Vì vậy trên thị trường đã xuất hiện nhiều đông trùng hạ thảo giả, bằng cách dùng các khuôn mẫu có hình dáng giống đông trùng hạ thảo sau đó pha trộn màu sắc tương tự với đông trùng hạ thảo vào các loại bột ngô, sắn… hoặc thạch cao, thậm chí là dùng cả con tằm sấy khô rồi tạo dáng. Cho nên người mua cũng cần phải có những kiến thức nhất định để phân biệt.

Tại sao đông trùng hạ thảo lại quý như vậy?
Loại thuốc này có chứa các thành phần hoạt chất khá phong phú: 17 loại acid amin, trong đó có nhiều loại cần thiết đối với cơ thể, lại có các  thành phần quan trọng như cordiceptic, adenosin…, đặc biệt lại có chất HEAA (hydroxy-ethyl - adenosin- analogs), giàu vitamin C, B2, B12, E.  Các nguyên tố vi lượng Al, Si, K, Na… 
Theo YHCT, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính bình, quy kinh phế, thận, với công năng bổ phế, ích can, thận, bổ tinh tủy, bổ dưỡng tạng phủ, chỉ huyết, hóa đàm. Do vậy mà trong Đông y vị thuốc được dùng trị các bệnh viêm phế quản, ho lâu ngày, ho ra máu, hen suyễn, ho lao, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bối mẫu, sa sâm, hạnh nhân, mạch môn…, sắc uống; hoặc các bệnh về thận tinh như liệt dương, di tinh, tảo tiết, đau lưng, mỏi gối, có thể dùng dưới dạng bột, uống riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc bổ thận khác như đỗ trọng, ba kích, nhục thung dung, thỏ ty tử… dưới dạng thuốc sắc, thuốc ngâm rượu hoặc thuốc hoàn.
Nếu dùng dưới dạng thuốc sắc, nên đem đông trùng hạ thảo sấy khô ở nhiệt độ khoảng  50 - 60oC, tán bột mịn, rồi dùng thuốc sắc để chiêu bột này. Do có tác dụng chống khối u và tăng cường miễn dịch, ngày nay, đông trùng hạ thảo còn được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh có khối u, bệnh ung thư hoặc sau xạ trị của bệnh ung thư, cho kết quả khả quan. Liều dùng chung của vị thuốc từ 3 - 9g/ngày.       
GS.TS.Phạm Xuân Sinh (Theo SKĐS)

TẮC MẠCH ỐI


Thời gian vừa qua xảy ra một số ca biến chứng sản khoa gây tử vong cho sản phụ. Trong khi chờ cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân, nhận định ban đầu chuyên gia sản phụ khoa nghĩ tới biến chứng tắc mạch ối. Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao.
Tắc mạch ối do đâu?Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương. Người ta vẫn không hiểu tại sao nước ối vào tuần hoàn chỉ xảy ra ở một số ít người mà không xảy ra ở nhiều người khác.Hơn nữa, rất ít khi xảy ra tình trạng này do các mảnh của thai đi theo nước ối vào tuần hoàn người mẹ mặc dù trong chuyển dạ, trong đẻ, mổ lấy thai hay các thăm dò gây chấn thương làm cho nước ối có thể đi vào tuần hoàn người mẹ nhưng không gây ra triệu chứng. Do vậy, tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỷ lệ rất nhỏ trong số các phụ nữ này làm cho người ta nghĩ tới vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảnh mô thai (có chứa kèm theo phân su hay không) hay một số yếu tố nào đó của người mẹ. Nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng.Thời điểm gây tắc mạch ốiTắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Cơ chế bệnh sinh của tắc mạch ối
Cơ chế bệnh sinh của tắc mạch ối chưa được hiểu rõ. Có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ: Vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.
Bệnh cảnh của tắc mạch ối gần giống như một choáng phản vệ với mảnh mô thai hơn là hiện tượng tắc mạch. Một bệnh lý có cơ chế phản ứng dị ứng nhiều hơn là kiểu bệnh lý tắc mạch. Cơ chế chính xác của phản ứng dạng phản vệ với nước ối chưa được hiểu rõ ràng. Nước ối tác động như một dị vật trong dòng máu và kết quả là giải phóng nhiều chất trung gian nội sinh khác nhau như: histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan..                                                             
                          Chọc rút nước ối có thể gây tắc mạch ốiCác chất trung gian này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng lâm sàng của tắc mạch ối. Hiện nay, các nhà khoa học đang hướng sự chú ý tới sự phân rã nhân các tế bào khổng lồ, giải phóng các histamin và các enzym tryptase, đồng thời hoạt hóa chuỗi phản ứng phức tạp khác. 75% số trường hợp bị tắc mạch ối là xảy ra ở người sinh con rạ, liệu có thể có vai trò phản ứng dị ứng mẫn cảm với kháng nguyên của thai trong những lần đẻ trước để lần sinh sau xảy ra hiện tượng đáp ứng miễn dịch nhắc lại? 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai, liệu có vấn đề dị ứng? Được biết, 41% số người bệnh có tiền sử dị ứng.Nước ối và tế bào thai đi vào tuần hoàn người mẹ diễn tiến qua 2 giai đoạn:Giai đoạn 1: Co thắt động mạch phổi gây tăng áp lực phổi, tăng áp lực thất phải thiếu ôxy. Quá trình ngừng tuần hoàn - hô hấp diễn ra rất nhanh làm cho các buồng thất không giãn ra được làm thiếu ôxy ở tim và phổi. Tình trạng thiếu ôxy gây tổn thương cơ tim và mao mạch phổi làm suy thất trái và suy hô hấp cấp. Người bệnh nhanh chóng đi vào giai đoạn hôn mê.Giai đoạn 2: Nếu người bệnh sống sót qua giai đoạn này thì sẽ đi tới giai đoạn 2. Giai đoạn 2 đặc trưng bằng chảy máu dữ dội khắp nơi do đờ tử cung và do đông máu nội mạch rải rác.Dấu hiệu lâm sàng tắc mạch ốiXuất hiện đột ngột với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.
                                                                    
Khi bong rau vị trí rau bám có thể là nơi nước ối lọt vào tuần hoàn của mẹ gây tắc mạch ối.
4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối
Theo Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo, chẩn đoán tắc mạch ối khi có đồng thời 4 tiêu chuẩn sau:
- Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim;
- Thiếu ôxy cấp tính;
- Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác;
- Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này.
Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán: Xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu; Xquang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi; điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và sóng T thay đổi.Chẩn đoán xác định sau cùng là kết quả mổ tử thi (tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi người mẹ). Chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng.  Tắc mạch ối là một cấp cứu sản khoa không thể dự báo được, không thể dự phòng được và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được. Chưa có một can thiệp nào cho thấy cải thiện tiên lượng của sản phụ bị tắc mạch ối. Tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ. Ở Hoa Kỳ, ước tính 1 trường hợp tắc mạch ối 8.000 - 30.000 thai nghén. Một nghiên cứu ở Canada từ năm 1991 - 2002 trên 3 triệu trường hợp đẻ trong bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 trường hợp đẻ đa thai, 6,0/100.000 đẻ một thai. Nghiên cứu trong khoảng thời gian 2000-2002 ở Anh cho thấy tỷ lệ gặp tắc mạch ối là 3,7/1 triệu trường hợp thai nghén và tử vong mẹ do tắc mạch ối lên đến gần 80%. Tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối.Con rạ có nguy cơ cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường. Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.

Amip Naegleria fowleri ăn não người

Bệnh viêm não màng não tiên phát do ký sinh trùng amip ăn não Naegleria fowleri là một bệnh của hệ thần kinh trung ương. Đây là bệnh rất nguy hiểm, hầu hết gây tử vong, đến 99%. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này về mặt lâm sàng giống viêm màng não do vi khuẩn. Do đó thường bị bỏ qua và được chẩn đoán rất muộn, thậm chí sau khi chết, đặc biệt khi bệnh diễn biến nhanh.
Một số thuốc có hiệu quả điều trị bệnh trong phòng thí nghiệm, nhưng trên thực tế thì hiệu quả điều trị không rõ ràng, hầu hết bệnh nhân vẫn tử vong. Hiện chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả của các thuốc điều trị bệnh này.
Một điều may mắn là bệnh rất hiếm gặp. Nguy cơ nhiễm là rất thấp. Naegleria fowleri là sinh vật đơn bào sống tự do trong nước, ưa thích môi trường nước nóng, thường phổ biến ở trong tự nhiên như nước sông, hồ, suối nước nóng và trong đất. Nó không được tìm thấy trong nước biển. Naegleria fowleri rất hiếm khi được phát hiện trong các bể bơi chưa được tiệt trùng đúng cách hay ở vòi nước nóng. Ký sinh trùng này phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 46 độ C và có thể sống sót trong một thời gian ngắn ở nhiệt độ cao hơn.
Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi. Bệnh không lây truyền từ người sang người, không gây thành dịch.
Ký sinh trùng này có thể có mặt ở các cơ sở vui chơi giải trí sử dụng nước sông, hồ có nước ấm hay suối nước nóng. Bệnh do amip ăn não thường xảy ra vào mùa nóng, từ tháng 6 đến tháng 9. Nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra dù rất thấp ở khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của sinh vật này. 
Khó có thể loại trừ ký sinh trùng này ra khỏi môi trường nước tự nhiên. Về mặt lý thuyết, cần tiến hành các biện pháp dự phòng như sau: Bịt mũi hay dùng kẹp mũi khi bơi lội, lặn xuống nước. Không lặn xuống các suối nước nóng hay sông hồ có nước ấm, hay nhiệt độ nước cao mà chưa được xử lý tiệt trùng đúng cách. Hạn chế đào bới hay khuấy lắng cặn ở các khu vực có nước nóng. Tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng này.
Khi nhiễm amip ăn não, bệnh nhân có thể khởi đầu dấu hiệu bệnh với việc thay đổi mùi vị. Các triệu chứng đầu tiên của hội chứng viêm não, màng não xuất hiện khoảng 5 ngày (từ 1 đến 7 ngày) sau nhiễm trùng, bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng muộn có thể bao gồm cổ cứng, lú lẫn, mất tập trung, mất thăng bằng, chứng ảo giác và co giật. Sau đó bệnh tiến triển nhanh và thường dẫn đến tử vong trong vòng 5 ngày (từ 1 đến 12 ngày).
Do đó khi có các triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có thể làm giảm nguy cơ tử vong.
Hai trường hợp tử vong do  amip "ăn não người " mới được phát hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy, loại amip này đã tồn tại trong môi trường nước ở nước ta từ lâu và có thể trước kia đã có những ca tử vong do amip này nhưng chúng ta chẩn đoán sót, chưa ghi nhận.
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguyên là chuyên gia về ký sinh trùng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. giải thích: Bởi lẽ, amip "ăn não người" không phải mới xuất hiện. Đồng thời, nó tồn tại ở hồ nước thì cũng có thể tồn tại ở nơi khác có môi trường tương tự. Amip này là một loại ký sinh trùng có thể sống trong tất cả các môi trường nước: ao hồ, đầm lầy, sông suối, vũng nước lớn…, lý tưởng ở nhiệt độ khoảng 35 độ C.
Loại ký sinh trùng này sinh sôi nhiều vào mùa hè nắng nóng khi nhiệt độ nước ấm dần lên. Ở Việt Nam, những suối nước nóng được nghĩ rằng tốt cho sức khỏe cũng là môi trường thích hợp cho amip "ăn não người" sinh sống vì ở hạ lưu nước thường ấm.
“Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về amip "ăn não người" ở Việt Nam nên chúng ta không có thông tin về phân bố địa lý sinh sống, cũng như mật độ sinh sống của loại ký sinh trùng này như thế nào”,

Tuy nhiên, do đặc điểm dòng nước luôn lưu thông nên amip "ăn não người" không sống tập trung mà rải rác cá thể.
Amip "ăn não người" từ môi trường nước xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi khi bị sặc hay ngộp nước vô mũi. Tuy nhiên, ký sinh trùng này có thể dễ dàng bị tống ra ngoài khi ta hắt hơi, hỉ mũi.
Các chuyên gia đều cùng khẳng định: Bị amip "ăn não người" xâm nhập vào cơ thể là chuyện vô cùng hiếm gặp nên người dân không nên hoang mang.
Ghi nhận của ngành y tế thì nước ta chỉ mới phát hiện hai ca amip "ăn não người ".
Thống kê báo cáo ghi nhận tại Mỹ, trong vòng 10 năm (1995 - 2004) có 23 người tử vong do amip "ăn não người". Gần đây nhất là tháng 8.2011, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận có hai người tử vong do bị nhiễm loại ký sinh trùng amip hiếm gặp này.
Phòng amip "ăn não người" như thế nào?
Amip "ăn não người" sống trong nhiều môi trường nước rộng lớn khác nhau, dòng nước lưu thông và còn đa dạng hệ sinh thái dưới nước nên không thể đổ chất sát khuẩn xuống các môi trường nước được.
Vì vậy, chỉ có thể phòng bệnh cá nhân. Mặt khác, cần phải đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu sau khi đi bơi về từ 7 ngày trở lại mà xuất hiện các triệu chứng: nhức đầu, sốt (trên 39 độ C), cứng gáy. 
Viêm màng não do amip "ăn não người" là một bệnh cấp tính, phát bệnh trong thời gian ngắn - khoảng một tuần. Vì vậy, nếu đi bơi trước đó từ 10 ngày trở lên thì không liên quan gì đến amip "ăn não người".
Bên cạnh đó, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, cũng đưa ra giả thuyết từ nhiều tài liệu y văn thế giới nói đến việc amip "ăn não người" tồn tại cả trong đất và không khí (bụi, máy lạnh...).
Nghi vấn ca tử vong thứ hai không tắm hồ, bệnh nhi vẫn nhiễm amip ăn não người, có thể do ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể từ không khí.Tuy nhiên chuyên gia ký sinh trùng thì khẳng định amip Naegleria fowleri không thể tồn tại trong đất và không khí. "Amip ăn não chỉ tồn tại được trong môi trường nước ngọt như sông hồ. Nếu lên cạn, loại amip này sẽ chết ngay", một tiến sĩ chuyên khoa ký sinh trùng nói.Các chuyên gia ký sinh trùng tại TP HCM còn cho rằng amip ăn não khác hẳn với loại amip gây bệnh ở đường ruột, với phương thức lây truyền là xâm nhập qua niêm mạc mũi rồi vào xoang sàn và não thất. Do đó nếu nguồn nước có chứa amip Nagleria fowleri nhưng chỉ dùng để ăn uống đơn thuần thì khó lây nhiễm, vì amip chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mũi.Về bản chất, amip "ăn não người" không phải là một ký sinh trùng gây bệnh cho người. Việc amip này gây bệnh cho người là rất hiếm. Chỉ xui lắm mới bị amip này lạc vào người và sinh sôi và tàn phá não. Bệnh cũng không lây lan và không thành dịch. “Amip "ăn não người" cũng như hàng ngàn loại vi trùng khác vẫn đang tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí) mà con người vẫn tiếp xúc hằng ngày, không phải cứ gặp là gây bệnh”Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định, bệnh viêm màng não do đơn bào Naegleria fowleri là một bệnh hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (từ 1962 đến 2011), tại Mỹ cũng chỉ ghi nhận 123 ca mắc.Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) tại khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh.Bệnh nhân đầu tiên nhiễm amip ăn não người  là bệnh nhân P.V.T. (quê Phú Yên) đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà. Sau khi trở lại TP.HCM, ngày 30/7, anh T. bỗng lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Lúc 22h40' cùng ngày, bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Nhân Ngay khi chọc dịch não tủy, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể. Ngay sau đó, các bác sĩ đã chuyển gấp bệnh nhân qua bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, kết quả xét nghiệm soi dịch não tủy không thấy có vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não nhưng lại có sự hiện diện của một loại amip.Sau đó, bệnh nhân vẫn sốt cao, 40 – 41 độ C, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu.Đến 23h ngày 31/7, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột, tử vong. Sau khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy bệnh nhân bị tử vong do “amip ăn não người” tấn công.
Ca thứ hai tử vong do amip ăn não là bé trai 6 tuổi mắc chứng thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Bé cũng từng bị tim bẩm sinh, có di chứng xuất huyết não sau khi sinh. Do mắc nhiều bệnh nên sức khỏe bé rất yếu, chủ yếu ở nhà, không đi học nên loại trừ nguyên nhân bị nhiễm amip Naegleria fowleri từ nước sông hồ.
Bé  được đưa đến bệnh viện ở quận 6 vào ngày 12/8 trong tình trạng đã ngưng tim ngưng thở. Bé sống cùng một người vú nuôi, bố mẹ không ở chung, nên khi bé tử vong, để minh bạch nguyên nhân cái chết, công an vào cuộc điều tra.
Khám nghiệm tử thi, Trung tâm Pháp y TP HCM phát hiện bé có khối ápxe não nên lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mô não bằng kỹ thuật sinh học cao phân tử tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM ghi nhận mẫu dương tính với amip Naegleria fowleri.
Ông Siêu cho rằng, rất lạ khi bệnh nhân không tiếp xúc với môi trường có chứa loại amip này trong khi mẫu bệnh phẩm dương tính với amip Naegleria fowleri.  
Với trường hợp tử vong thứ hai liên quan đến amip ăn não, điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, một tuần trước nhập viện, bé thường đập đầu xuống nền gạch, không ói. Bệnh nhân ăn cháo, uống nước đun sôi, không có tình trạng bị sặc nước. Trước nhập viện 2 ngày bé sốt, người chăm sóc mua thuốc hạ sốt cho uống. Trưa 12/8 bé được phát hiện tím tái nên đưa vào Bệnh viện Quận 6 rồi tử vong. Nguyên nhân được xác định do ápxe não.
Bé hoàn toàn không có tiền sử tiếp xúc nguồn nước như ao, hồ, sông… Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày là nước máy. Nước bé uống là nước đun sôi để nguội.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, đây là ca bệnh không liên quan nhiều đến các yếu tố dịch tễ và nguồn lây bệnh là không rõ ràng.

Các chuyên gia nói gì Về ký sinh trùng amip “ăn” não người:

Sau ca tử vong của một bệnh nhân 25 tuổi được xác định do amip “ăn” não người, nhiều thông tin về loại amip này đã được đưa ra. Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đầu ngành y về bệnh nhiễm, ký sinh trùng đều cho rằng đây là bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, vẫn có một vài thông tin trái chiều, cảnh báo quá đà gây hoang mang cho dư luận. Thậm chí, một số thông tin còn nhầm lẫn về cả tác nhân gây bệnh (vi sinh vật Naegleria fowleri) với dòng amip thông thường.
Rất hiếm gặp và không phải amip thông thường
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xác định đã tử vong sau 1 ngày nhập viện do mắc phải loại amip “ăn” não – thực chất là loài vi sinh vật đơn bào ký sinh có tên khoa học là Naegleria fowleri. Theo BS. Châu, đây là trường hợp đầu tiên được BV Bệnh nhiệt đới phát hiện bị nhiễm amip “ăn” não và là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam tử vong do loại ký sinh nguy hiểm này.
 Tại Việt Nam , theo BS. Châu, do từ trước đến nay không có ai được ghi nhận bệnh do Naegleria fowleri nên cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào về đặc điểm gây bệnh cũng như dịch tễ về chủng này. Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị phá hủy nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong. Bệnh thường tiến triển nhanh
Đồng quan điểm, ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, để chẩn đoán sớm các ca bệnh, các bệnh viện tại tuyến cơ sở thấy những trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ như trên và có tiền sử đi bơi, lặn ngụp ở hồ nước, sông suối… mà xét nghiệm dịch não tủy cho thấy:  áp lực tăng nhiều, protein tăng cao, tăng bạch cầu trung tính trong giai đoạn sớm, soi dịch não tủy thấy amip di động… thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến có điều kiện xét nghiệm phân tử để chẩn đoán xác định chủng amip, từ đó có hướng điều trị tích cực.
 Cảnh giác với tác nhân gây bệnh
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn cho biết, N.fowleri được biết như một loại amip “ăn” não (the brain-eating amoeba) là một loại tác nhân sống tự do trong các vật thể ẩm và nước ngọt như ao, hồ, sông và các suối nước nóng. Ngoài ra, còn tìm thấy trong các vùng đất, gần nơi thải nước của các nhà máy công nghiệp và các hồ bơi chưa khử khuẩn chlorid có chứa giai đoạn trùng roi tạm thời và dạng amip. Không có bằng chứng về ký sinh trùng này sống trong nước đại dương. Nó lệ thuộc vào nhóm gọi là Percolozoa hoặc Heterolobosea, tuy không phải là một amoeba thật sự, nhưng vẫn được coi như một loài để tiện theo dõi, do đó còn gọi là bệnh do đơn bào N.fowleri. N.fowleri có thể xâm nhập và tấn công vào hệ thần kinh trung ương, mặc dù hiếm khi xảy ra, song nếu bị nhiễm khuẩn thường dẫn đến tử vong với tỷ lệ khoảng 98 - 99%.
N.fowleri thường được tìm thấy trong các vật thể trong nguồn nước ngọt ấm như sông, hồ; các vùng có địa nhiệt hoặc suối nước nóng tự nhiên; nước ấm thải ra từ các khu hoặc nhà máy công nghiệp; nguồn nước uống xuất phát từ địa nhiệt; trong đất ẩm; hồ bơi mà ít khi được bảo trì, bảo dưỡng và quan tâm đến vấn đề vệ sinh, nhất là vấn đề sát khuẩn; nước ấm với nhiệt độ < 47°C. N.fowleri tồn tại trong 3 thể: thể nang, tư dưỡng (ameboid) và roi (flagellate).
Phát hiện tác nhân gây bệnh này trong nước có thể thực hiện bởi ly tâm mẫu nước có bổ sung thêm Escherichia coli, dùng thêm viên thức ăn (pellet) bổ sung vào môi trường thạch không có chất dinh dưỡng. Sau vài ngày, đĩa được quan sát vi thể và các nang Naegleria được xác định thông qua kiểm tra hình thái học. Việc xác định cuối cùng của các loài có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp hóa sinh hoặc sinh học phân tử khác nhau.
Ký sinh trùng N.fowleri “ăn” não người thế nào?
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, N.fowleri là loài amip tự do thuộc giống Naegleria gây viêm màng não - não bất thường.
 Sau khi N.fowleri xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ của chất nhầy ở niêm mạc mũi, sau đó đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác rồi di chuyển đi lên não, chúng cư trú tại một vùng nhất định của não, sinh sản một cách nhanh chóng ở đây. Tại não chúng thực bào hồng cầu và tế bào não (thực bào = ăn tế bào) và gây nên tình trạng viêm não – màng não cấp tính.
Một đặc tính sinh học vô cùng quan trọng của loài N.fowleri tuy là một loại ký sinh trùng đơn bào nhưng lại nhạy cảm với một loại kháng sinh chống nấm AmphotericinB.
Sau khi N.folwleri xâm nhập cơ thể người có thời kỳ nung bệnh khoảng từ 1 – 14 ngày thì các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện (thời kỳ tiên phát) như nhức đầu, sốt, thở nhanh khoảng 30 lần/ phút. Sốt có thể lúc đầu là sốt nhẹ, sau đó sốt cao lên tới 39 - 41oC. Kèm theo các triệu chứng về thần kinh như cứng cổ, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Tiếp đến là biểu hiện các triệu chứng như lú lẫn, u ám, thiếu tập trung và có thể xuất hiện cơn co giật. Bệnh diễn biến rất nhanh đi đến suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong. Từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi tử vong có thể xảy ra vào khoảng 7 – 14 ngày, đặc biệt có trường hợp nặng chỉ trong vài ngày. Với các triệu chứng gây bệnh của N.fowleri rất giống với các triệu chứng bệnh viêm màng não - não  do vi khuẩn hoặc virut gây ra nên dễ chẩn đoán nhầm.
Nên quan tâm chứ không nên hoang mang! Đánh giá về ca tử vong do amip “ăn” não người, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, thông tin truyền thông về ca bệnh tử vong có lẽ nên dừng lại bởi có nhiều bài báo đã hơi quá đà. Bên cạnh đó, người dân không nên hoang mang bởi N.fowleri có trong ao hồ, sông ngòi, đầm nước ngọt nhưng hiếm khả năng gây bệnh. Theo BS. Châu, nếu có thể, các nhà khoa học nên quan tâm nghiên cứu về sự lưu hành của N.fowleri tại nước ta để có những khuyến cáo phù hợp nhất.
Đồng quan điểm này, TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, chuyên gia về ký sinh trùng cũng cho rằng, Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hay vùng lưu hành của amip “ăn” não người. Tuy nhiên, về mặt y tế dự phòng thì có lẽ chưa cần thiết phải đưa ra những cảnh báo quá đà dễ làm người dân lo lắng và đổ xô đi khám bệnh một cách không cần thiết.
Cần phân biệt và chẩn đoán đúng bệnh do amip “ăn” não người
PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội cho biết, amip thường gặp là loài Entamoeba histolytica, phân bố rải rác trên khắp các tỉnh/thành. Loại ký sinh trùng đường ruột này lây lan và phát tán chính qua phân, nếu phân có chứa mầm bệnh được mang đi tưới rau hoặc được đổ thải xuống sông, hồ thì theo đó mà lây lan. Chính vì thế, người dân ở nông thôn, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn tương ứng với người dân thành thị, nam giới. Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng, tức là số người có bào nang amip trong ruột người khoảng 5 - 10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém. Amip này thường gây bệnh kiết lỵ, một số trường hợp, amip thể hoạt động ăn hồng cầu từ ruột sẽ theo đường máu đi lên gan gây áp-xe gan, lên não gây áp-xe não...
Ca tử vong ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là do loài amip khác gây nên, đó là loài Naegleria fowleri, loài này có sức hủy hoại tế bào não mạnh hơn và có thể là tổ chức não bị áp-xe là vùng nguy hiểm - nơi có chức năng quan trọng, vì thế sự tổn thương ở não là nặng nề gây tử vong. Kết quả chọc dò dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng amip Naegleria fowleri với kỹ thuật PCR là chính xác, tuy nhiên đây không phải là một amip thật sự mà thường được gọi như một loại amip cho thuận tiện.
Chính vì thế, một lần nữa cần khẳng định việc phân loại và chẩn đoán tác nhân gây bệnh vẫn luôn là việc làm cần thiết, quan trọng nhất để quyết định phương án điều trị trong bất cứ trường hợp nào, nhất là đối với những ca bệnh nguy hiểm vừa qua. 
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về phòng, chống bệnh viêm não - màng não:
Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não - màng não do đơn bào Naegleria fowleri  là một bệnh rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm, từ năm 1962 - 2011, Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 - 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam , đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não - màng não do Naegleria fowleri.
Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46oC. Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não - màng não. Do đó, để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm một số nội dung như: Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao; Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi; Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi... “Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.
 Nguồn SK&ĐS
BỘ Y TẾ
CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
Số:   915   /TB-DP                                          Hà Nội, ngày 31  tháng 8  năm 2012
THÔNG BÁO
Về trường hợp viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri 
 Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/7/2012 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 24 tuổi, nhập viện ngày thứ 2 của bệnh với chẩn đoán lâm sàng viêm não – màng não, xét nghiệm dương tính đơn bào  Naegleria fowleri, bệnh nhân đã tử vong ngày thứ 3.
Bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri  là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (1962 - 2011), Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 – 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam , đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não – màng não do Naegleria fowleri.
Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri  phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 460C . Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não – màng não.
Để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số nội dung hoạt động sau:
1. Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao.
2. Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi.
3. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi.
4. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
CỤC TRƯỞNG          Nguyễn Văn Bình