Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHUYỆN BUỒN TRONG NGÀNH Y VIỆT NAM

7 cán bộ bị đình chỉ công tác trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm.


(Tinmoi.vn) Liên quan đến vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ của bệnh viện.
Chiều ngày 7-8, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), nơi đã "nhân bản" 1 kết quả xét nghiệm rồi trả cho 2-5 bệnh nhân. 
Qua kết quả điều tra của cơ quan công an, chiều ngày 8/8, Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc bệnh viện.
Tiếp đó, Sở Y tế Hà Nội đã công bố Quyết định số 1761/QĐ- SYT về việc tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc BVĐK Hoài Đức, trong thời gian 15 ngày để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật tại BVĐK Hoài Đức.
Sau đó, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã công bố quyết định số 222/QĐ-BV tạm đình chỉ công tác để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật tại BVĐK Hoài Đức đối với bà Vương Thị Kim Thành, Bác sỹ, Trưởng khoa Xét  nghiệm; Bà Vương Thị Lan - Điều dưỡng Cao đẳng , viên chức khoa Xét nghiệm ; ông Nguyễn Đồng Sơn - Kỹ thuật viên, lao động hợp đồng khoa Xét nghiệm ; bà Nguyễn Thị Thu Trang- Kỹ thuật viên, lao đồng hợp đồng khoa Xét nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Kỹ thuật viên, lao động hợp đồng khoa Xét nghiệm. Như vậy, tới thời điểm này đã có 7 cán bộ bị tạm đình chỉ công tác.
Lý do của việc tạm đình chỉ công tác này là để phục vụ xem xét, xử lý kỷ luật và điều tra các vi phạm pháp luật được cho là liên quan đến vụ việc một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khoa Xét nghiệm của Bệnh viện này “nhân bản” để dùng luôn cho 2-5 bệnh nhân, thậm chí lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh Bệnh lao phổi, ápxe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa…
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định việc nhiều xét nghiệm có kết quả giống nhau ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức là lần đầu tiên xảy ra trong ngành y tế Hà Nội, việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về y đức và quy chế chuyên môn.
Để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân tại bệnh viện Hoài Đức được duy trì ổn định, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết định số 1762/QĐ-SYT về điều động biệt phái cán bộ tăng cường cho BVĐK Hoài Đức kể từ ngày 8/8 2013 đến ngày 7/2/2014. Các cán bộ được tăng cường gồm: Bà Đỗ Thị Hằng, Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Phó Trưởng khoa Sinh hóa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, kiêm Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành khoa Xét nghiệm BVĐK Hoài Đức; ông Nguyễn Hữu Trí, cử nhân xét nghiệm khoa Sinh hóa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; ông Bùi Văn Đăng, điều dưỡng cao đẳng khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Đống Đa; bà Nguyễn Thị Ban Mai, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm bệnh viện Đống Đa; bà Trương Bích Thủy, Thạc sỹ, bác sỹ, Phó Trưởng khoa huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ông Phùng Trung Kiên, kỹ thuật viên xét nghiệm khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bà Hoàng Thị Mai Hương, kỹ thuật viên xét nghiệm khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Những cán bộ này được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp do đơn vị cử cán bộ đi biệt phái chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước. 
Trước đó, vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm đã gây xôn xao dư luận. Tính chất của vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu không chỉ dừng lại ở lừa đảo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. 
Ông Cường cho biết, Sở Y tế nhận được đơn tố cáo vụ việc từ ngày 20/5, ngay sau đó ngày 21/5, thanh tra Sở Y tế đã đến kiểm tra xác minh, làm việc với tập thể ban giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng có liên quan của Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Qua quá trình làm việc, thanh tra Sở Y tế đã xác định đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt  (cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện) là có cơ sở. Cụ thể người làm công tác xét nghiệm tại khoa này phải có trình độ đại học, trong khi đó bộ phận xét nghiệm ngoại trú của Bệnh viện đa khoa Hoài Đức chỉ có 2 nhân viên là cao đẳng điều dưỡng và dược sĩ trung học, mới đi học định hướng về chuyên ngành huyết học. Ngoài ra, về nguyên tắc, người ký phiếu kết quả xét nghiệm phải là trưởng khoa, không phải nhân viên. Trong khi đó hầu hết các phiếu kết quả xét nghiệm tại bệnh viện, người ký đều là nhân viên.
Theo cuốn sổ ghi chép, theo dõi của nhóm tố cáo, tính từ tháng 7/2012 tới nay đã có trên 1.000 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống nhau. Trong khi đó, việc đưa ra kết quả xét nghiệm máu, theo các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh chính xác, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng hướng. 
Xuất phát từ mục đích vụ lợi, bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất mà vẫn có kết quả trả cho người bệnh, lại trả trong thời gian ngắn, tạo ra sự hài lòng giả tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về y đức và quy chế chuyên môn.
Lê Vy

1 nhận xét: